Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Lê Mạnh Hà cho biết trong 15 năm qua, số lượng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã giảm mạnh, từ 6.000 DN (60 ngành, lĩnh vực) năm 2001 xuống còn trên 1.300 DN năm 2011 và đến tháng 10-2016 còn 718 DN (19 ngành, lĩnh vực).
Đáng chú ý, theo ông Hà, khi thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015 “cơ bản không phát sinh các DN kinh doanh thua lỗ lớn” hay các dự án không hiệu quả, gây hậu quả nghiêm trọng như Vinashin (2010), giấy Phương Nam (2003), Xơ sợi Đình Vũ (2007), các dự án nhiên liệu sinh học (2007), Thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (2005).
Cũng theo ông Lê Mạnh Hà, “phần lớn DNNN sản xuất, kinh doanh có lãi”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN còn nhiều hạn chế.
“Giảm số lượng DNNN rất nhanh trong thời gian 15 năm qua. Tuy nhiên, số vốn ra thị trường chỉ có 8%, tức là còn đến 92% vốn của nhà nước tại DN” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Cạnh đó, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN thấp so với nguồn lực đang nắm giữ; một số DN tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao; còn tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực (trong khai thác, chế biến, xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản; trong đầu tư xây dựng cơ bản...). Một số vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật nghiêm trọng gây hậu quả kinh tế lớn, làm thất thoát vốn, tài sản của nhà nước...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Đồng chí tổng kiểm toán điện thoại nói với tôi có DN xác định giá trị DN, khi kiểm toán xác định lại chênh lệch nhau 10.000 tỉ đồng”
“Những hạn chế, yếu kém trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu” - ông Lê Mạnh Hà nói.
Những nguyên nhân này được ông Hà liệt kê do nhận thức và tầm nhìn của không ít cấp ủy, chính quyền và DNNN về sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN chưa đầy đủ, “có nơi còn ảnh hưởng bởi lợi ích cục bộ và tư duy nhiệm kỳ”. Một số cán bộ quản lý e ngại không còn vị trí lãnh đạo, quản lý đối với DN sau cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nên vẫn chần chừ CPH, thoái vốn hoặc đề nghị Nhà nước tiếp tục nắm giữ tỉ lệ chi phối vốn khi CPH...
Một nguyên nhân quan trọng khác, theo ông Hà, là chưa có sự đổi mới căn bản về tổ chức hoạt động và cơ chế quản lý đối với DNNN... “Một số không nhỏ chưa bảo đảm về phẩm chất trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước”; giám sát, kiểm soát nội bộ DN còn mang tính hình thức...
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng đề nghị Hội nghị phải tìm được nguyên nhân vì sao thoái vốn nhà nước tại DN và CPH thấp như vậy và giải pháp nào để có thể thoái vốn và CPH DNNN trong thời gian tới tốt nhất, bảo đảm lợi ích của Nhà nước tốt nhất và huy động xã hội được tốt nhất.
Một nhiệm vụ khác là xác định DN nào Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn và cổ phần chiếm vốn. “Quyết định phân loại DNNN đang ở trong tay tôi, tôi chưa ký” - Thủ tướng nói.
“Thoái vốn nhà nước tại DN, cơ chế chính sách về CPH, thoái vốn được ban hành giai đoạn 2011-2015 còn phù hợp không? Tôi được phản ánh là nhiều chính sách không còn phù hợp nữa” - Thủ tướng nêu câu hỏi.
“Đồng chí tổng kiểm toán điện thoại nói với tôi có DN xác định giá trị DN, khi kiểm toán xác định lại chênh lệch nhau 10.000 tỉ đồng” - người đứng đầu Chính phủ cho biết.
Thủ tướng cũng yêu cầu bảo đảm tính công khai, minh bạch, chặt chẽ trong quá trình CPH, làm sao để không thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình CPH, nhất là đất đai ở vị trí thuận lợi; việc sắp xếp lại, cơ cấu, giải thể, phá sản những DN hoạt động không hiệu quả, làm ăn thua lỗ kéo dài, mất khả năng thanh toán, xử lý các dự án không có hiệu quả kéo dài; trách nhiệm cá nhân của từng giám đốc, TGĐ tập đoàn; DNNN khi cố tình chậm trễ việc CPH?...