Không đơn giản là dẹp, xóa

Người vi phạm rồi sẽ bị xử lý, cơ sở không phép cũng đã bị đóng cửa. Nhưng câu hỏi vì sao hàng ngàn, hàng vạn trẻ em vẫn hằng ngày được trông giữ tại các cơ sở giữ trẻ không phép không hề được kiểm soát trên địa bàn TP, đang làm nhức nhối bao người.

Gửi con vào những cơ sở giữ trẻ không phép là lựa chọn cuối cùng của người nhập cư và không ít người dân có hộ khẩu TP. Vì trường công quá tải nên để vào được đây phải qua nhiều cửa xét ưu tiên (cả ba và mẹ là cán bộ công chức trên địa bàn, có hộ khẩu thường trú tại phường, hộ nghèo, diện chính sách…). Các trường còn phải ưu tiên nhận trẻ lớn để hoàn thành phổ cập mầm non năm tuổi. Vì thế, nhiều người dân dù có hộ khẩu ngay tại địa bàn phường vẫn không thể xin cho con vào được trường công. Còn với người nhập cư thì còn lâu mới tới lượt họ. Đó là chưa kể hiện nay TP còn có một số phường chưa có trường mầm non công lập.

Trường công thì không có cửa, trường tư chính quy đàng hoàng thì không thể đặt chân vào bởi học phí ít nhất cũng cao gấp đôi trường công. Rốt cuộc người dân có thu nhập trung bình, dè xẻn chi tiêu lắm cũng chỉ có thể gửi con vào nhóm trẻ gia đình, trường tư không phép với chi phí khoảng 1,5 triệu đồng/tháng (cao hơn trường công nhưng thấp hơn trường tư có phép). Gửi con vô lớp, cha mẹ vừa đi làm vừa run nhưng họ không còn lựa chọn nào. Ở nơi đó, nhân viên giữ trẻ không qua đào tạo, thiếu kỹ năng, không có bộ máy giám sát... thì chuyện bạo hành trẻ có xảy ra hay không có lẽ chỉ còn biết trông nhờ vào đạo đức con người.

Dĩ nhiên ai cũng muốn ngân sách nhà nước rót nhiều hơn nữa cho bậc học mầm non nhưng giải pháp này là rất khó trong bối cảnh phải thắt lưng buộc bụng hiện nay. Dĩ nhiên ai cũng muốn điều kiện mở trường lớp phải thật cao, cả về cơ sở vật chất lẫn nhân sự con người nhưng điều này cũng lại bất khả trên thực tế.

Vì thế trước mắt, cần rà soát điều kiện cấp phép để điều chỉnh cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những người mở lớp làm đúng pháp luật, từ đó cũng giúp chính quyền có thể quản lý được. Đồng thời, có chương trình đào tạo, tập huấn cho những người chăm trẻ, có bộ máy giám sát thường xuyên. Nếu biện pháp đưa ra chỉ là “siết”, “dẹp”, “xóa” những trường tư không phép, nhóm trẻ gia đình thì dân biết gửi con ở đâu để mưu sinh? Thử tưởng tượng một ngày tất cả điểm giữ trẻ đó đóng cửa thì cuộc sống người dân, các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, công sở… sẽ đảo lộn biết chừng nào.

Công ước quốc tế đã ghi nhận: “Các quốc gia thành viên phải thi hành mọi biện pháp thích hợp để đảm bảo cho con cái của những bậc cha mẹ đang làm việc có quyền được hưởng các dịch vụ và phương tiện chăm sóc trẻ em mà họ có đủ tư cách để được hưởng”. Vâng, mọi người dân đều có đủ tư cách để được hưởng những quyền trong công ước mà nước ta đã là quốc gia thành viên cam kết và thực thi hơn 20 năm nay.

T.MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm