Không được để công dân nào 'vô danh'!

(PLO)- Mỗi người khi được sinh ra phải được pháp luật minh định với một cái tên trong giấy khai sinh và được định danh bởi thẻ căn cước, không vì lý do gì mà xã hội chấp nhận để một công dân phải "vô danh".

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một miếng đất, một căn nhà đều được ghi nhận bằng sổ đỏ, sổ hồng, vậy mà bản thân tôi không có tấm giấy tùy thân lận lưng. Thiệt là cám cảnh!”. Một người dân từng nói với tôi câu này khi kể về chuyện tuổi đã “thất thập cổ lai hy” mà vẫn chưa làm được CCCD.

phận người 'vô danh'
Em Nguyễn Hoàng Anh Thư đã được cấp CCCD sau nhiều năm chạy khắp nơi làm thủ tục xin đăng ký thường trú để làm CCCD.

Theo quy định hiện hành, một người khi sinh ra, quyền đầu tiên mà họ được hưởng là quyền được khai sinh, điều này được quy định rất rõ tại Điều 30 BLDS. Tiếp đến, khi cá nhân từ đủ 14 tuổi, cái tuổi có thể đủ nhận thức được những hành vi của mình thì sẽ được cấp CCCD theo quy định tại Điều 19 Luật CCCD. Có thể thấy hai loại giấy tờ này rất quan trọng đối với một người và sẽ theo một cá nhân đến suốt cuộc đời.

Hiện nay, khi thực hiện các giao dịch dân sự hay thực hiện thủ tục hành chính nào thì nơi giải quyết cũng đều yêu cầu người đó phải chứng minh nhân thân và cách chứng minh là xuất trình giấy tờ tùy thân. Hoặc nếu thông tin đã được cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì người đó cũng phải cung cấp mã số định danh cá nhân để cơ quan chức năng tra cứu, đối chiếu.

Thế nhưng theo thống kê của Công an TP.HCM, tại thời điểm năm 2023, TP.HCM có khoảng 3.000 trường hợp người dân không có giấy tờ tùy thân và mã số định danh cá nhân. Có những trường hợp bệnh nhân không có tên, tuổi và lai lịch, cả gia đình từ đời ông đến đời cháu không có “tờ giấy lận lưng”.

Có nhiều nguyên nhân để trẻ em sinh ra không được cấp giấy khai sinh ngay, người từ 14 tuổi trở lên không được cấp CCCD theo quy định. Hiện nay, có hai rào cản lớn nhất đã khiến một công dân thành “người vô danh”. Thứ nhất, khi sinh ra, họ không may mắn như bao người khác, bị cha, mẹ bỏ rơi hoặc cha, mẹ không có giấy tờ tùy thân nên con cái tiếp tục “thừa hưởng” theo một vòng luẩn quẩn… Thứ hai, có người may mắn hơn, được cấp giấy khai sinh nhưng lại không có nơi ở hợp pháp hoặc không có nơi nào bảo lãnh đăng ký thường trú, từ đó họ không được cấp CCCD, dù rằng ta đã bỏ sổ hộ khẩu, việc quản lý dân cư đã thay bằng sổ điện tử.

Ai cũng biết việc đăng ký thường trú là để cơ quan chức năng quản lý về cư dân, về con người chứ không liên quan đến tài sản. Ấy vậy mà chỉ vì không đăng ký thường trú mà công dân lại không làm được CCCD!

Từ nhiều năm nay, những rào cản trói buộc quyền được cấp giấy khai sinh, CCCD của người dân đã được báo chí phản ánh và dù chính quyền địa phương vẫn luôn trăn trở nhưng vẫn không thể làm khác được, chỉ vì… quy định nó thế.

Thấu hiểu được nỗi khó của người dân, Công an TP.HCM đã tham mưu để Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TP.HCM ban hành Kế hoạch 1878 về phối hợp thực hiện công tác thu thập dữ liệu dân cư, cấp mã số định danh cá nhân, giải quyết cư trú và cấp CCCD. Thực hiện kế hoạch này, hơn một năm qua, TP đã cấp mã số định danh cá nhân, CCCD cho gần 2.350 trường hợp. Hiện vẫn còn khoảng 1.000 trường hợp chưa đủ điều kiện cấp CCCD, mã số định danh cá nhân; những người này vẫn đang trông chờ vào sự hỗ trợ tiếp tục của TP.

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, chia sẻ: Mọi trẻ em sinh ra đều phải được cấp giấy khai sinh, bất kể trẻ gặp hoàn cảnh thế nào; nếu không xác định được cha, mẹ thì trong giấy khai sinh của trẻ cứ bỏ trống thông tin cha, mẹ. Nếu thực hiện như ông Vũ nói, có lẽ từ đây sẽ không còn trẻ nào không có giấy khai sinh.

Ngoài ra, khi Luật Căn cước có hiệu lực (từ ngày 1-7-2024), việc cấp thẻ căn cước cho những người “vô gia cư trên giấy tờ” (không đủ điều kiện đăng ký thường trú) cũng sẽ được giải quyết rốt ráo. Quy định này đang được người dân TP.HCM trông chờ nhất.

Và dù thế nào, mỗi người khi được sinh ra phải được pháp luật minh định với một cái tên trong giấy khai sinh và được định danh bởi thẻ căn cước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm