‘Tôi không còn là công dân vô danh nữa!’

Gặp khó khăn trong tìm kiếm công việc, không được hưởng các chế độ, chính sách, không được tham gia BHYT là tình cảnh chung của những người dân chưa có chứng minh nhân dân đang sống trên địa bàn phường Trường Thọ, quận Thủ Đức (TP.HCM). Tết này chuyện đó đã khác…

Khổ trăm bề vì không có giấy tờ

Ông Lê Văn Tỏi (60 tuổi, khu phố 3, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức) là người vừa nhận được sổ tạm trú dài hạn KT3 từ Công an phường Trường Thọ.

Gặp chúng tôi, ông vui mừng khoe: “Tôi 60 tuổi rồi nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nhận tờ giấy có ghi tên mình như vậy. Tôi không có giấy khai sinh, không có sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân nên không biết chữ và không được lựa chọn những công việc tốt. Mấy chục năm nay tôi cũng chỉ bốc vác thuê quanh chợ Thủ Đức. Nhiều lúc thấy sức khỏe mình có hạn nên cũng muốn kiếm công việc nhẹ nhàng hơn nhưng hễ kiếm việc ở đâu thì cũng bị hỏi đến giấy tờ tùy thân… nên đành ngậm ngùi với số phận của mình”.

Theo ông Tỏi, do ông được cha mẹ nhận về nuôi nên cũng không biết nguồn gốc của mình như thế nào. Đến khi cha mẹ mất thì ông cũng không biết làm thủ tục giấy tờ ra sao. Sau này vì mải lo cơm áo gạo tiền ông cũng chẳng màng đến việc làm giấy tờ cho mình nữa.

Cầm trên tay tờ giấy KT3, ông Tỏi mang đi khoe với hàng xóm: “Tôi có cái chứng minh mình rồi nè, mấy bà đọc xem có đúng tên tôi không”. Nói rồi, ông Tỏi mang vô tủ cất vội vì sợ chẳng may bị hư hỏng, mất thì rất khó để làm lại.

Nhớ lại những ngày trước, ông Tỏi xúc động: “Tôi làm cả tháng được khoảng 4 triệu đồng tiền lương nhưng hễ ốm đau phải đi bệnh viện thì mất cả chục triệu. Nhiều lúc tôi ước có cái BHYT để lỡ có bệnh cũng đỡ lo. Nay có KT3 rồi, tôi sẽ được mua BHYT thì cuộc sống đỡ nhọc nhằn hơn. Mấy ngày qua, lần đầu tiên tôi được đón một cái Tết thật sự thấy yên trong lòng vì đi đâu cũng đã có tờ giấy lận lưng”.

Công an đến nhà trao sổ hộ khẩu cho người dân. Ảnh: ĐÀO TRANG

Hàng xóm cũng mừng lây

Tương tự, ông Trừ Văn Tư (83 tuổi, khu phố 4, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức) cũng nhiều năm liền không có giấy tờ tùy thân. Theo ông Tư, trước đó ông có giấy tờ tùy thân, tuy nhiên do nhà bị dột nát nên toàn bộ giấy tờ đều hư mục hết. Lo cắm mặt mưu sinh nên ông Tư cũng không đi làm lại được. Về sau con ông Tư có đi làm lại nhưng qua nhiều công đoạn gian nan nên rồi nản và không làm nữa.

Ông Tư cũng vui vẻ nói: “Tôi cứ ngỡ phải sống một cuộc đời vô danh, ai ngờ đến cuối đời lại là người có danh tính. Sống ngần này tuổi rồi, tôi cũng chỉ lo chết mà không làm được giấy báo tử thôi (nói rồi ông cười khà khà). Để làm được giấy tờ này tôi thấy mấy anh công an chạy đi chạy lại vất vả lắm, phải cả năm trời mới hoàn thiện hồ sơ rồi đến nay tôi mới nhận được hộ khẩu và có các giấy tờ liên quan. Suốt mấy ngày Tết đi đâu ai cũng chúc mừng tôi đã là công dân có danh”.

Phường chủ động rà soát từng hoàn cảnh cụ thể

Ông Hồ Văn Phước, Chủ tịch phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, cho biết hằng năm trên địa bàn phường có nhiều dân nhập cư từ các địa phương tới sinh sống. Trong số đó, một số người không có giấy tờ tùy thân hoặc không đăng ký tạm trú trên địa bàn phường. Vì thế, UBND phường đã yêu cầu công an phường phải rà soát lại từng trường hợp cụ thể không có giấy tờ tùy thân, sau đó lên kế hoạch hỗ trợ cho từng người dân trên địa bàn phường. Qua khảo sát, phường đã ghi nhận được bốn trường hợp không có giấy tờ tùy thân, bị hư hỏng hoặc do chuyển từ vùng kinh tế mới về và bị mất giấy tờ nên cán bộ phường đã làm lại giấy tờ cho họ.

Sau khi có hộ khẩu, UBND phường hỗ trợ người dân mua BHYT. Đối với các trường hợp là người cao tuổi, người nghèo, UBND phường sẽ cập nhật vào danh sách để tiếp tục chăm lo trong những năm tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm