Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia về đề thi cùng lời khuyên để học sinh làm bài.
Môn toán: Có thể lấy được 7 điểm
Với đề thi minh họa môn toán, theo tôi có bảy câu từ dễ đến trung bình, nếu làm được hết thí sinh sẽ đạt 7 điểm. Ba câu còn lại từ khó đến rất khó với tổng điểm là 3 nhằm phân loại học sinh (HS).
Cụ thể, với đề minh họa này, các câu từ dễ đến trung bình là các câu liên quan đến các nội dung: Khảo sát hàm số và vẽ đồ thị, bài toán liên quan đến khảo sát hàm số (câu 1); tính giá trị của một biểu thức lượng giác hoặc giải phương trình lượng giác, số phức (câu 2); phương trình logarit hoặc phương trình mũ (câu 3); tích phân (câu 5); hình học không gian (câu 6) và hình giải tích trong không gian Oxyz (câu 8); tổ hợp hoặc xác suất (câu 9).
Các câu hỏi còn lại trong đề là ba câu hỏi từ khó đến rất khó. Câu 4 là một câu về giải phương trình, hệ phương trình hoặc bất phương trình có chứa căn thức. Thường đây là một câu tương đối khó. HS cần nắm vững các phương pháp giải. Câu 7 là một bài toán hình học giải tích trong mặt phẳng với hệ tọa độ Oxy. Đây là một câu khó vì đòi hỏi thí sinh phải nhớ và biết sử dụng kiến thức của các lớp dưới. Đặc biệt các em nên ôn lại những kiến thức hình học của lớp 9 và lớp 10. Câu 10 là câu khó nhất dùng để phân loại thí sinh, thường là câu bất đẳng thức hoặc tìm giá trị max hay min. Để làm được câu này đòi hỏi thí sinh phải có khả năng tư duy độc lập, có óc chủ động sáng tạo.
Lời khuyên: Các em phải đọc đề kỹ trước khi bắt đầu làm bài, tuyệt đối tránh tình trạng hiểu sai đề. Làm bài theo nguyên tắc: Chọn những câu dễ để làm trước. Các em không được làm tắt, cần lưu ý đặt điều kiện cho bài toán có nghĩa, nên thực hiện các phép biến đổi một cách cẩn thận và chậm rãi ngay trong bài thi nếu bài toán đã có hướng giải quyết đúng.
ThS HUỲNH THỊ HOÀNG DUNG, Trưởng bộ môn Toán - Cơ - Tin
Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM
Thí sinh chuẩn bị làm đề thi môn văn tại kỳ thi THPT 2014 tại TP.HCM. Ảnh: HTD
Môn văn: Kiến thức lớp 12 chỉ chiếm 4 điểm
Điểm mới của đề thi minh họa là chú ý đến phân loại HS. Điều đó thể hiện rất rõ ở phần đọc hiểu với tám câu (tổng cộng 3 điểm), HS học ở mức trung bình có thể làm được 2-2,5 điểm. Còn phần làm văn (tổng cộng 7 điểm), chủ yếu khuyến khích HS siêng năng, nghe giảng kỹ, viết gọn nhưng đủ ý thì có thể đạt điểm ở mức trung bình.
Ở phần viết, chỉ dời phần nghị luận xã hội xuống phần làm văn so với trước đây. Nếu HS xác định đúng được cấu trúc bài văn thì HS có thể đạt được nửa số điểm, nếu HS xác định được luận đề thì cũng được nửa số điểm nên những HS chỉ mượn môn văn để thi tốt nghiệp sẽ dễ dàng đạt được.
Cụ thể, trong đề minh họa trên, kiến thức thuộc lớp 12 chỉ khoảng 4 điểm. Câu 3 và câu 7 đòi hỏi những kỹ năng riêng của HS. Còn lại (ở các phần viết) là kiến thức của cả một quá trình học, trong đó đòi hỏi kỹ năng, thông hiểu của HS. Tuy nhiên, dạng đề này các em cũng đã làm quen rồi nên không quá lo ngại.
Lời khuyên: Nhìn chung dạng đề này đòi hỏi HS phải học bài, nắm chắc kiến thức, đọc hiểu nhiều các tác phẩm, chú ý phát triển năng lực cảm thụ vấn đề. Nếu muốn đạt cao điểm thì rất khó, đòi hỏi HS phải nỗ lực nhiều. Đối với các em chọn thi ĐH có môn văn sẽ đạt số điểm nhiều nhất ở mức 6-7 điểm, 8-9 điểm thì rất khó. Đây là đề thi dài nhưng với 180 phút thì khá dư dả, HS có thể phân bổ thời gian để làm tốt.
Thầy HUỲNH VĂN THẾ, giáo viên dạy ngữ văn
Trường THPT Mang Thít, Vĩnh Long
Môn tiếng Anh: Dễ bị lo lắng
So với các đề thi cũ thì đề này không thay đổi gì lắm. Khác chăng thay vì 80 câu như trước đây thì bây giờ số câu có bớt đi để dành cho phần viết. Vì đề ra với hai mục đích nên năm nay bài viết có độ dài hơn. Ở phần viết lại câu cũng có năm câu thì các em cũng đã làm quen từ lớp 8 và 9 hoặc thi vào lớp 10.
Mới thoạt nhìn, giáo viên và HS dễ bị lo lắng trước đây đề có 80 câu với 90 phút nhưng giờ chỉ còn 64 câu và kèm theo phần viết trong khi lượng thời gian không đổi. Tuy nhiên, nếu với đề thi hai trong một thì với dạng đề này cũng không quá đáng lo ngại cho các em và có thể đánh giá khả năng thông hiểu của các em.
Lời khuyên: Nếu HS học hết chương trình tiếng Anh 7 năm, nắm chắc kiến thức thì cũng có thể làm được ở mức 5-6 điểm. Tuy nhiên, cũng có lưu ý đặc thù của tiếng Anh, HS không nên tập trung vào từ mới trong đề quá nhiều, như thế sẽ dễ bị lo lắng vì phân tán suy nghĩ, mà các em nên có kỹ năng dựa vào ngữ cảnh từng câu để suy luận, như thế các em sẽ có điểm cao hơn. Với dạng đề này, muốn có điểm cao đòi hỏi các em phải nắm chắc kiến thức và có kỹ năng dựa vào ngữ cảnh để lấy kiến thức làm bài.
Thầy HOÀNG ĐÔNG HẢI, Trưởng bộ môn tiếng Anh
Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Tân Bình, TP.HCM
Nhiều trường chưa cho HS làm hồ sơ Sáng 1-4, theo quy chế của Bộ GD&ĐT, các trường THPT bắt đầu cho HS làm hồ sơ đăng ký dự kỳ thi THPT Quốc gia. Tuy nhiên, tại TP.HCM, nhiều trường chưa thể cho HS đăng ký vì chưa nhận đủ hồ sơ từ Sở GD&ĐT gửi về. Ông Võ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Tân Bình), cho hay từ cuối học kỳ I, nhà trường đã định hướng chọn môn thi cho HS, cho các em đăng ký thử môn thi để làm quen, giờ chỉ chờ đăng ký chính thức. “Trong thời gian chờ hồ sơ đầy đủ từ Sở, trường đã tải các biểu mẫu đăng ký thi của Bộ để hướng dẫn đến từng em. Cuối tuần này trường sẽ họp phụ huynh để thông tin chi tiết về kỳ thi này rồi sẽ cho các em đăng ký thi chính thức” - ông Dũng nói. Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân tình hình cũng tương tự, trường vẫn đang trong quá trình tư vấn, hướng dẫn trước khi cho các em đăng ký thi chính thức. Theo khảo sát, số HS chọn môn vật lý nhiều nhất (338 HS), kế đến là hóa, sử và địa (mỗi môn có chín HS). Tương tự, Trường THPT Giồng Ông Tố cũng chưa cho HS đăng ký thi chính thức. Sáng 1-4, nhà trường đã họp toàn HS và giáo viên lớp 12 để hướng dẫn việc đăng ký thi. PHẠM ANH |