Cụ thể, tại Điều 6 Thông tư 58/2020 của Bộ Công an (có hiệu lực từ ngày 1-1), trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe thì tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng, được phân bổ, thừa kế xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục cấp đăng ký, biển số.
Đối với xe qua nhiều đời chủ mà không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu như hợp đồng mua bán, tặng cho, thừa kế,… chỉ được giải quyết sang tên đến hết ngày 31-12-2021.
Cá nhân, tổ chức không sang tên đổi chủ xe sẽ bị xử phạt. Ảnh: TN
Luật sư Bùi Quốc Tuấn, đoàn Luật sư TP.HCM, căn cứ khoản 1 Điều 19 Thông tư 58/2020, người đang sử dụng xe không chính chủ chỉ cần có giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe thì có thể làm thủ tục sang tên, đổi chủ cho xe.
Nếu không thực hiện sang tên xe trước 31-12-2021 thì từ ngày 1-1, dù có giấy đăng ký xe, biển số xe thì xe không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu sẽ không được giải quyết sang tên.
Một đại diện đội Đăng ký xe, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM (PC08), cho biết thời gian vừa qua, các trường hợp thiếu giấy tờ chuyển nhượng đến làm thủ tục sang tên đổi chủ rất nhiều.
Vị này cũng cho biết, trường hợp người dân dù có giấy tờ chuyển nhượng cũng phải hoàn thiện thủ tục sang tên đổi chủ để việc quản lý nhà nước được tốt hơn.
Việc không làm thủ tục đăng ký sang tên xe sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 30 Nghị định 100/2019. Mức phạt tiền từ 400.000-600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô.
Phạt tiền từ 2-4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4-8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô.
“Những trường hợp có giấy tờ chuyển nhượng, trong vòng 30 ngày nếu không thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ sẽ bị phạt khi lên đăng ký sang tên xe. Do đó người dân cần thực hiện đúng quy định”- vị này nói thêm.