Đội tuyển Futsal giành vé chơi World Cup, lứa trẻ U-23 á quân giải châu Á, đội tuyển U-19 cũng có suất chơi giải thế giới… là những dấu ấn nổi bật nhất của VFF nhiệm kỳ VII. Duy có điều thành công ấy đều nằm… ngoài dự kiến, khác với cái đích ghi rõ trong tầm nhìn chiến lược từ năm 2013 đến 2020 do Chính phủ phê duyệt phải có 1-2 lần vô địch Đông Nam Á cấp đội tuyển hoặc lứa U-23.
Điều này có nghĩa là bộ mặt của bóng đá Việt Nam (VN) là nền tảng đội tuyển quốc gia vẫn chưa đạt đến tầm vóc như mong đợi. 10 năm qua, đội tuyển VN chưa có thêm lần nữa vô địch AFF Cup dù vẫn đứng số một Đông Nam Á trên bảng xếp hạng FIFA (có tính tham khảo hơn phản ảnh thực tế).
Đội tuyển VN từng thay rất nhiều thầy nội lẫn ngoại trong sự mong mỏi hồi hộp của VFF để báo cáo với cấp trên hoàn thành nhiệm vụ. Ác nghiệt thay, ngôi vua vẫn chưa đến và thành công nhất thời của những giải trẻ không phản ảnh thực chất của một nền bóng đá.
Hiệu ứng của U-23 là đòn bẩy để bóng đá Việt Nam phát triển hướng tới cấp đội tuyển tại AFF Cup năm nay và giấc mơ vàng SEA Games năm tới. Ảnh: VFF
Những điều người hâm mộ lo lắng lại là thượng tầng bóng đá bất ổn và thiếu minh bạch. Ảnh: PV
VFF trước thềm Đại hội khóa VIII vẫn âm thầm cài cắm người của mình vào các vị trí trọng yếu mà chưa thể tập hợp đầy đủ tinh hoa từ các nguồn lực xã hội khác. Nó khiến xảy ra những lùm xùm mỉa mai của chính người trong cuộc, đến nỗi Bộ VH-TT&DL muộn màng đòi báo cáo sau sự thừa nhận có sai sót và buộc phải lùi thời gian tổ chức đại hội.
Trong nhiệm kỳ ngồi ghế chủ tịch VFF khóa VII và trước đó phụ trách tài chính, ông Lê Hùng Dũng hơn một lần hạ quyết tâm cho các đội tuyển quốc gia theo kiểu: “Không vô địch AFF Cup (hoặc SEA Games) thì vứt!”. Tuy nhiên, bóng đá trẻ VN có thể gây bất ngờ có tính thời điểm ở một giải đấu nào đó nhưng cứ vào đấu trường vừa sức và vừa tầm nhìn chiến lược là gãy.
Thực tế thời của ông Lê Hùng Dũng rất đau đáu khát vọng đăng quang Đông Nam Á và chính ông đã tìm mọi cách kéo bầu Đức ngồi chung xuồng với tuyên bố đầu tư cho đội tuyển đến khi nào vô địch mới thôi. Bầu Đức tuy chưa thể thực hiện lời hứa vẫn góp công lớn qua việc mời HLV Park Hang-seo và nhóm cầu thủ trẻ rải đều trên các đội tuyển. Chỉ tiếc là nhóm ứng viên nặng ký VFF sắp tới thay vì tranh thủ sự ủng hộ của các ông bầu thì họ tìm cách loại bỏ đi.
HLV Park Hang-seo sau chiến tích của đội tuyển U-23 VN ở vòng chung kết châu Á đang được xem là “ngôi sao” có triển vọng giúp VFF thỏa mãn mục tiêu vô địch AFF Cup vào cuối năm hoặc SEA Games năm sau. Thế nhưng ông chắc hẳn vẫn chưa có được sự toàn tâm toàn ý trong bối cảnh VFF lộn xộn với cuộc bầu bán sắp tới có dấu hiệu thao túng của nhóm lợi ích như phê phán của bầu Đức.
Bởi rõ ràng ở đấy chưa thấy những chương trình hành động của các ứng viên giúp hệ thống đội tuyển quốc gia tiến bộ. Thay vào đó, họ rất vững tin sẽ trúng cử từ những lá phiếu của các thành viên quen mặt và cùng nhóm mà thiếu chính kiến.
VFF cần người làm việc hiệu quả chứ không phải nơi “chạy ghế” và rút dài sợi dây kinh nghiệm.
Sáng chen lẫn tối Ngôi á quân của U-23 VN tại giải châu Á có thể nâng đỡ phần nào công trạng cho bộ sậu VFF nhiệm kỳ VII nhưng nó không thể khỏa lấp đi bộ mặt nhạt nhòa ở cấp đội tuyển quốc gia. Tương tự, làn sóng khán giả đến sân xem V-League 2018 đông hơn cũng chưa thể khẳng định do sức hấp dẫn thực sự hay nhờ hiệu ứng U-23 VN. Đấy cũng là những điểm mấu chốt mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng chất vấn VFF vì sao khán giả quay lưng với V-League; VFF đã tận dụng hết nguồn lực phát triển chưa. Trách nhiệm cụ thể của từng bộ phận trong tầm nhìn chiến lược… TT |