Câu chuyện thể thao:

Những cánh tay vô cảm ở ban chấp hành VFF

Sự kiện xảy ra ở nhiệm kỳ II VFF nhưng về bản chất thì đến nhiệm kỳ VII tức đã 22 năm vẫn không thay đổi.

Đó là một tháng trước giải vô địch Đông Nam Á 1996 (hồi đó còn gọi là Tiger Cup) tại Singapore, cuộc họp ban chấp hành VFF tại khách sạn Đồng Khánh – quận 5, TP.HCM diễn ra với nội dung chính là mỗi thành viên sẽ có một chuyến du lịch Singapore và biểu quyết sa thải HLV trưởng đội tuyển Việt Nam – ông Karl Heinz Weigang.

Trong khi thầy trò ông Weigang chuẩn bị ra trận đánh lớn thì ban chấp hành đã bỏ phiếu sa thải ông.

Thời điểm họp ban chấp hành đấy đội tuyển Việt Nam đang tập huấn ở châu Âu và ông Weigang đang cố gắng tập hợp thành phần ưu tú nhất với sự chuẩn bị tốt nhất cho đội tuyển. Cũng cần biết giải đấu đấy đội tuyển Việt Nam được xem là hạt giống với thành tích á quân SEA Games 18 – 1995 tại Chiang Mai (hồi đấy SEA Games thi đấu với thành phần đội tuyển, không giới hạn U-23 như bây giờ).

Ban chấp hành nhiệm kỳ II khi ấy có 21 thành viên được mời về tham dự được ăn, ở loại VIP tại khách sạn Đồng Khánh và được “lại quả” từ lãnh đạo VFF từ những sản phẩm “ngoại” do những nhà tài trợ ngoại đổ vào.

Nội dung chính của cuộc họp ấy với phần mở màn là quyền lợi của ban chấp hành, là phần được và cả phần đăng ký hồ sơ chuẩn bị cho các thành viên một chuyến du lịch Singapore xem đội tuyển Việt Nam thi đấu Tiger Cup 1996. Cũng cần biết thời điểm đấy một chuyến đi nước ngoài lại là vừa du lịch vừa xem bóng đá rất tốn kém và thủ tục khó khăn nhiều thứ chứ không đơn giản như bây giờ.

Sau khi nghe phổ biến hết các phần quyền lợi, nhân vật chủ trì VFF nhiệm kỳ II đứng lên nhấn mạnh vào chủ đề chính là phải đuổi bằng được ông Karl Heinz Weigang, HLV trưởng đội tuyển Việt Nam.

Đội tuyển Việt Nam đoạt HCĐ Tiger Cup 1996 trong khi ban chấp hành sang Singapore ủng hộ đội tuyển chỉ book vé đến hết vòng loại.

Thật lạ khi đội tuyển chuẩn bị ra trận mà các vị trong ban chấp hành lại ngồi bàn nhau việc chém tướng rồi cùng nhau biểu quyết. Kết quả 21/21 cánh tay cùng giơ lên đồng ý chém tướng và sẽ sa thải ông Weigang ngay sau khi kết thúc Tiger Cup 1996.

Sau này, trao đổi với tôi, nhiều vị trong ban chấp hành khi ấy thú thật là họ giơ tay vì thấy mọi người cùng giơ (!?). Cũng có người thú nhận là vào ban chấp hành chứ có biết gì nên nói sao nghe vậy và thấy có lộc khi cả ban chấp hành đi du lịch Singapore thì “ai sao mình vậy”.

Ngay sau buổi họp ban chấp hành ấy, VFF liền ban hành nghị quyết ban chấp hành với dòng nhấn: “Sa thải HLV Karl Heinz Weigang sau khi đội tuyển trở về từ Tiger Cup 1996”.

Cũng cần nhắc lại chi tiết ở giải đấy, chính vì một số cầu thủ nghe được thông tin chém tướng và có tư tưởng thầy chết trước giải thì làm gì có thành tích nên đã móc với nhau làm độ trận Việt Nam-Lào.

Không ngờ ông Weigang rất cao cơ khi ngay sau trận hòa Lào 1-1 đã chỉ mặt bốn cầu thủ làm độ trận đấu đấy và đề nghị trưởng đoàn Tô Hiền mua vé máy bay đuổi ngay về nước giao Tổng cục TDTT xử lý.

May mà sau đó thì ông Tô Hiền đã gặp riêng ông Weigang và giải thích đồng thời xin cho các cầu thủ đấy được đoái công chuộc tội. Nhờ vậy mà nhiều cầu thủ đá trối chết và đội tuyển Việt Nam lội dòng nước ngược vào bán kết, đoạt HCĐ trở về trong sự đón chào của người hâm mộ cả nước.

Văn hóa đồng ý” trong ban chấp hành bất chấp nhiều khi không có lợi cho bóng đá Việt Nam mà có lợi cho nhiều cá nhân hoặc nhóm. Ảnh: XUÂN HUY

Khi đội tuyển và ông Weigang trở về được tôn vinh, được Chính phủ đón chào và trao bằng khen thì nghị quyết ban chấp hành liên quan việc sa thải ông Weigang bị xếp xó.

Cũng lạ là 21 thành viên ban chấp hành chỉ được book tour du lịch đến hết vòng loại (tức không tính đến khả năng đội tuyển vào bán kết) và khi trở về rồi chứng kiến cảnh người hâm mộ chào đón, Thủ tướng tặng bằng khen thì ai cũng tẽn tò về những cánh tay vô cảm giơ lên trong cuộc họp ban chấp hành.

Trong một lần trả lời phỏng vấn về chi tiết của nghị quyết VFF trên, ông Tổng thư ký buột miệng nói: “Đáng lẽ ông Weigang đã bị sa thải nhưng “éo le thay” đội tuyển lại đoạt HCĐ…”.

22 năm sau VFF nhiệm kỳ VII vẫn thế

Câu chuyện trên làm nhiều người nhớ đến bây giờ trong nội tình VFF việc những cánh tay vô cảm giờ đã được thay bằng giấy xanh “đồng ý” và giấy đỏ “không đồng ý”.

Nói là một tổ chức xã hội và ở đấy những người tham gia ban chấp hành có quyền nêu ý kiến của mình, được tranh luận, được phản biện và được quyết định bởi lá phiếu nhưng ít ai tin rằng có sự dân chủ thực sự hay chính kiến và trách nhiệm của những lá phiếu đấy.

Điển hình như điều Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng chất vấn về việc một ông chủ nhiều đội bóng thì đương nhiên phần “nhiều đội bóng” đấy sẽ đứng về một phía. Hoặc ở Futsal (các đội cũng có đại diện tại VFF) thì việc một ông chủ nở rộ trong 6-7 đội bóng và phân bổ hệ thống giải Futsal cũng đang thâu tóm những lá phiếu đấy.

Ngay cả nhiều thành viên tham gia ban chấp hành cũng mang tư tưởng đến họp và giơ phiếu xanh rồi về bởi cái họ cần là sự tồn tại của đội bóng họ tham gia và hưởng lợi rất nhiều từ phần chấm, phẩy trong 1.001 dịch vụ từ các đội chuyên nghiệp mà đụng vào đều tiền tỉ.

Thế nên chuyện thay cho những cánh tay vô cảm là những lá phiếu đồng ý thường xuyên xảy ra và nó luôn được xem là ý kiến tập thể dù những ý kiến đó không có lợi cho bóng đá Việt Nam mà chỉ có lợi cho một nhóm và cho cá nhân của những người cầm phiếu.

22 năm sau cơ chế trong ngôi nhà bóng đá Việt Nam vẫn không thay đổi và bây giờ cơ chế đấy lây lan sang cả VPF đang ủng hộ cho cả những điều bất hợp lý. Và hơn ai hết Tổng cục TDTT, Bộ VH-TT&DL phải nhận ra phần “hại” từ cơ chế đấy để có những điều chỉnh về mặt chủ trương tránh để tổ chức xã hội bị biến tướng thành tổ chức mang lại những nhóm quyền lợi.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm