Bầu Tú không sai luật nhưng sao cứ bị ‘đánh’?

Chủ tịch VPF, Tổng Giám đốc kiêm trưởng ba giải chuyên nghiệp Trần Anh Tú nói rằng ai bỏ bóng đá không phải lỗi của ông. Thậm chí ông Tú còn tính xa đến việc bỏ giải của HA Gia Lai đơn thuần chỉ là cách sắp xếp lại lịch đấu V-League mà chẳng ảnh hưởng đến ai cả, như có lần đội Ninh Bình giải tán vì tiêu cực.

Việc bất chấp của bầu Tú với cách suy nghĩ “vắng mợ thì chợ vẫn đông” đã đào thêm cái hố sâu ngăn cách với những ông bầu có quá trình suốt 20 năm chơi bóng đá đầy tâm huyết.

Bầu Thắng, bầu Đức nói thà họ bỏ cuộc chơi chứ không chịu ngồi chung xuồng với bầu Tú. Họ còn nói mình chấp nhận thiệt thòi khi từ giã cuộc chơi để giữ vững sự tử tế với niềm tin “sự vô lý không thể tồn tại mãi”.

Bầu Tú thì khẳng định mình muốn bỏ nhưng HĐQT VPF giữ lại nên phải gắng ngồi cũng là một cách nói. Và cuối cùng thì các ông bầu đã hủy luôn cuộc gặp gỡ để tìm tiếng nói chung.

Ngay từ đầu, nguyên Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng đã chỉ ra cái sai cơ bản thuộc về HĐQT Công ty VPF khi để cho ông Trần Anh Tú ngồi quá nhiều ghế theo kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi. Họ tiếp tục đi trên dấu xe đổ của mình với động tác níu giữ ông Tú như chính ông nói là “tranh cãi gay gắt” vì không muốn ngồi ghế tổng giám đốc VPF.

Nguy hiểm trong ngôi nhà VFF, VPF là nhiều người cứ vô tư đưa phiếu đồng ý vì quyền lợi của mình khi đội bóng tồn tại chứ không vì bóng đá Việt Nam. Ảnh: XUÂN HUY

Chính cái HĐQT đã làm ông Tú phải khóc với số phiếu tín nhiệm áp đảo nên dù nằng nặc từ chối để tránh điều tiếng bất công, ông cũng phải tiếp tục giữ ghế. Rõ ràng ông Trần Anh Tú rất vô tư trong cuộc chơi do người khác bầu chứ ông đâu có chạy chức, chạy quyền, đâu có xin xỏ.

Lỗi (nếu có) là của HĐQT ăn lương và thụ hưởng các phần ngoài lương để chọn “siêu nhân” ôm hết miếng bánh VPF chứ đâu phải lỗi của ông Tú. Và sắp tới, những chức danh ở VFF cũng là do các thành viên bầu chọn chứ đâu phải do ông Tú tự ngồi vào.

Lâu nay trong cuộc chiến tương tàn giữa những ông bầu làm bóng đá không ai chỉ ra điều cơ bản chính là ông Tú không tự ngồi vào ghế đấy. Trong khi đó nhiều CLB chắc chắn thấy ông Tú ngồi nhiều ghế là không hợp lý nhưng nguy hiểm là chẳng ai dám lên tiếng kiểu như bầu Đức, bầu Thắng.

Vấn đề của bóng đá Việt Nam là ở chỗ nhiều người thấy bất hợp lý nhưng lại chấp nhận để “yên phần” của mình. Lý do là nhiều đội bóng, nhiều lãnh đạo CLB bây giờ họ không bỏ tiền như kiểu ông Đức, ông Thắng bỏ tiền cho CLB mà họ sống và làm giàu nhờ sự tồn tại của CLB. Vì thế mà nhiều lãnh đạo CLB im lặng không vì bóng đá mà vì sự “yên thân” của mình với cái họ gọi là nghề làm bóng đá có nhiều khoản thu nhập cao.

Lỗi không phải ở ông Tú mà là lỗi ở một cơ chế trong ngôi nhà VFF rồi lấn sang ngôi nhà VPF. Cũng cần biết là bầu Tú ngồi vào những chiếc ghế đấy là do các thành viên VPF bầu, trong đó có cả phiếu của hai thành viên HA Gia Lai và Long An. Và hai phiếu lạc lõng trong nhiều phiếu là điều dễ hiểu.

Rồi mai đây cuộc bầu bán ở VFF cũng thế, những lá phiếu sẽ quyết định nhưng “phân loại” các lá phiếu đấy thì ai hiểu bóng đá cũng đều biết số đông đang được phân bổ theo quyền lợi như thế nào.

Đáng tiếc trong lúc VPF ồn ào vừa qua thì vụ việc liên quan trách nhiệm VFF, VPF với sự cố trọng tài Dương Ngọc Tân qua đời lại chẳng thấy ai nhắc tới. VPF tự hào về những khán đài nhiều khán giả nhưng người xem vẫn chưa vui với một số mặt sân kiểu như mặt ruộng hay pháo sáng còn đì đùng nơi đội bóng của ông phó chủ tịch VPF. Người ra sức cãi cho sân Lạch Tray có từ thời Mỹ (!?) và mặt cỏ đẹp nhưng vì sương muối nên khó bảo quản.

Sẽ còn rất nhiều người có lỗi khi để ông Trần Anh Tú ngơ ngác tự hỏi: “Tôi không hiểu vì sao mình lại bị “đánh” dữ dội như vậy?”.

Đôi dòng của bạn đọc

• Bạn đọc tên Dang An chia sẻ: “Quan trọng không phải là từ những chức đang làm, mà để làm cho tốt thì đừng tranh thêm chức. Ông Tú đang lãnh đạo toàn diện VPF thì không nên tranh thêm chức bên VFF. Điều này thể hiện rõ “tham quyền cố vị”. Đội bóng HA Gia Lai hay Long An rút khỏi giải, tất nhiên vẫn sắp xếp giải đấu được. Nhưng quan trọng là tinh thần và sự ủng hộ của người hâm mộ có còn không?”.

• Bạn Đỗ Tùng viết: “Chẳng mong ông Tú từ bỏ vì ông là người có tài, nhưng nếu ông trúng VFF thì nên sáp nhập cả hai tổ chức này lại. Lúc đó ông muốn làm gì thì làm! Ông cứ làm tốt thì những người phản đối ông sẽ là sai! Nhưng nếu những người tâm huyết với bóng đá Việt hàng chục năm nay mà từ bỏ trong thời gian tới, khi thành công của ông chưa đến, ông là người có tội với bóng đá Việt đó. Chỉ mong lúc đó ông đừng viện lý do có quá nhiều việc kiêm nhiệm nên không thể làm tốt hết được”.

• Bạn đọc có nick Tuan Le viết: “Chúng ta bầu người để hoạt động chứ không phải để giữ chức hay là chuyện tình cảm cá nhân. Tôi thấy giải bóng đá mang tên chuyên nghiệp mà con người đi sau cái tên đó thì làm sao điều hành được. Tại sao lại là ông Tú một mình đầy chức? Tại sao bầu chức danh mà chỉ có một mình ông Tú? Vậy thì bầu làm gì cho mất thời gian, tiền của? Hỏi ông ta có đồng ý nhận chức không rồi trao luôn đi. Nếu vẫn còn cách làm và kiểu làm như thế này thì chúng ta cảm thấy xấu hổ khi mang tên bóng đá chuyên nghiệp mà con người thì chả chuyên nghiệp tí nào và sẽ kéo nền bóng đá tụt hậu thôi”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm