Hủy cuộc gặp giữa bầu Đức, bầu Thắng và bầu Tú

Bầu Thắng sau những cuộc điện thoại vui vẻ hẹn gặp gỡ bầu Tú và bầu Đức vào đêm 12-4 để giải tỏa các vướng mắc đã bất thành vì “mất thời gian và không giải quyết được gì”.

Đi trước một nước cờ ở cuộc họp HĐQT VPF

Ngày 10-4, HĐQT Công ty VPF biểu quyết về việc ông Trần Anh Tú ngồi ba ghế ở VPF, có đến bảy phiếu thuận, một phiếu không đồng ý của chính ông Tú. Đây là một nước cờ cao tay và cho thấy sự kiên quyết không thay đổi như ông Tú giãi bày: “Tôi và các thành viên HĐQT tranh cãi rất gay gắt, vì tôi muốn làm chủ tịch VPF để dành thời gian cho việc hoạch định chiến lược lâu dài. Chỉ có chức tổng giám đốc VPF sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian và sức lực của tôi. Tuy nhiên, do chưa nhận được sự chấp thuận của tập thể nên tôi ở lại. Tôi sẽ rút lui và bàn giao công việc khi có ứng viên tốt, xứng đáng”.

Bầu Tú cũng nói rõ việc bầu Đức cho HA Gia Lai rời khỏi V-League nếu ông ôm đồm quá nhiều ghế: “Nếu có đội bóng nào bỏ giải không phải lỗi của tôi. Tôi nghĩ mỗi người có một quan điểm với mục đích chung là đóng góp cho bóng đá. Dù khác nhau hay giống nhau thì chúng ta cũng đừng cản trở nhau vì sự phát triển bóng đá”.

Bầu Thắng từng dầm mưa theo đội bóng, hy sinh lợi ích riêng cho đội tuyển  Việt Nam, nay  xác định không đầu tư cho bóng đá nữa. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Bầu Thắng xác định rút ra, không đầu tư bóng đá nữa

Khi biết những chia sẻ của ông Trần Anh Tú sau cuộc họp HĐQT, nguyên Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng ngao ngán: “Tôi quá buồn và thất vọng với anh Tú. Thực sự tôi chẳng còn gì để nói với anh ấy nữa. Thôi thì mọi sự hãy để cho xã hội phán xét. Tôi giữ lời hứa bỏ bóng đá! Ngày mai, tôi sẽ không đầu tư cho bóng đá nữa. Để tiền đó làm những việc khác có ích hơn. Tôi nghĩ các cổ đông của CLB sẽ biết chọn cách chơi cho mình. Vì không ai mong muốn công sức và những đồng tiền mồ hôi nước mắt đưa cho người ta xài một cách hoang phí”.

Nói về cuộc hẹn hò giữa các ông bầu để tháo gỡ nút thắt, bầu Thắng cho biết lúc này không cần thiết nữa rồi: “Anh Trần Anh Tú đã ghi bàn ngoạn mục với cuộc họp HĐQT giữ ghế cho anh ấy theo kiểu tập thể tín nhiệm. Bầu Đức hỏi tôi rằng chúng ta có nhất thiết phải ngồi với người không có lòng tự trọng hay không. Bầu Đức không đi, vì cuộc gặp gỡ này không còn chút ý nghĩa nào nữa. Người ta nói vì bóng đá Việt Nam nhưng ai nhìn vào cuộc chơi cũng biết họ đang làm vì cái gì.

Tôi không phải siêu nhân nên không thể như anh Tú ngồi cùng lúc 8-9 cái ghế. Cuộc gặp 90 phút với anh Tú, tôi đã phân tích thiệt hơn về mọi lẽ. Vấn đề là VFF và VPF cần phải tách bạch như tiêu chí ban đầu của chúng tôi đặt ra theo xu hướng tiến bộ chung của bóng đá thế giới. Đằng này họ đang gom hai tổ chức này lại như cũ. Tôi cho rằng khó nhưng vẫn luôn hy vọng anh Tú sẽ làm tốt như những gì anh ấy nói”.

Trong khi đó, bầu Đức chơi bóng đá suốt 20 năm qua cho thấy uy tín và sự quyết liệt của ông đã nói là làm. Ông bầu phố núi từng đánh cược chức vụ phó chủ tịch VFF với chức vô địch SEA Games 2017 và ông thể hiện lòng tự trọng từ chức ngay sau khi đội tuyển U-23 Việt Nam thất bại. Hồi đó, rất nhiều thành viên VFF nài nỉ bầu Đức ở lại nhưng ông đã quyết thì không thay đổi.

Cảm thấy còn áy náy, bầu Đức hứa hỗ trợ VFF hết mình và hai lần lặn lội sang Hàn Quốc tìm thầy giỏi rồi bỏ tiền túi trả hai năm lương không dưới 20 tỉ đồng cho cái tên ấn tượng Park Hang-seo.

Bầu Đức nói ông sẽ đấu tranh và chờ đợi đến giây phút cuối cùng, nếu ông Trần Anh Tú tiếp tục trúng cử phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính-tài trợ, ông rút đội HA Gia Lai ra khỏi V-League.

Tâm thư gửi bầu Thắng

Một cổ động viên tên Hoàng Như Lâm, 58 tuổi, nhà ở TP.HCM  viết thư tay gửi bầu Thắng và được ông chia sẻ: “… Ngày bầu Thắng, bầu Đức tham gia bóng đá với tư cách là người chơi và cùng là người quản lý (VPF, VFF) thật sự tôi rất vui và cảm kích vì điều này. Trong lá thư trước, tôi đã từng ví các anh như các hình tượng trong truyện võ hiệp của Kim Dung (Quách Tĩnh, Trương Vô Kỵ) là những người dám nói, dám làm và dám chịu như những người quân tử, hảo hán, đại trượng phu. Đó là thực tế mà tôi biết chứ không phải nói nịnh mấy anh đâu!

Ngày bầu Kiên bị nạn, bầu Tiến Anh, bầu Long bỏ bóng đá, tôi rất là tiếc. Tôi rất mong vào sự “song kiếm hợp bích” của hai anh.

Nhưng từ lúc hai anh nói từ bỏ bóng đá, tôi rất buồn và đau lòng. Tận đáy lòng tôi rất đồng cảm với anh Thắng và anh Đức về điều này, trong một xã hội đầy những bất ngờ liên tục xảy ra. Người ngay thì ít, gian xảo thì nhiều trong lĩnh vực thể thao. Tôi thật sự không quá ngạc nhiên, chỉ lo lắng…”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm