“Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện (BV) Mắt TP.HCM tổ chức kiểm điểm các tập thể, cá nhân liên quan đến các sai phạm được Thanh tra TP kết luận; tổ chức kiểm điểm đối với giám đốc BV Mắt TP và tập thể Ban Giám đốc BV đã để xảy ra những sai phạm trong thời gian dài, không kịp thời chấn chỉnh. Đối với BS Trần Hải Yến, Phó Giám đốc BV Mắt TP, ngoài việc kiểm điểm với vai trò tập thể trong Ban Giám đốc, còn phải kiểm điểm trách nhiệm của đảng viên”. Đây là một trong các nội dung chính vừa được Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận kết luận chỉ đạo.
Mua thuốc của “thầu yếu” giá cao
Trước đó, Thanh tra TP đã công bố kết luận thanh tra đối với hoạt động của BV Mắt TP đến các đơn vị, cá nhân liên quan. Theo một nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, cơ quan chức năng đã xác định: Trong năm 2013 BV này mua 12 mặt hàng khác số lượng nhiều hơn so với kế hoạch đã được Sở Y tế phê duyệt với tổng giá trị hơn 2,3 tỉ đồng. Cũng trong năm 2013, tổng giá trị thuốc được BV Mắt TP mua thông qua đấu thầu là hơn 47,5 tỉ đồng. Tuy vậy, khi kiểm tra hồ sơ năng lực, kinh nghiệm cho thấy hồ sơ tham dự thầu hàng chục loại thuốc của Công ty Cổ phần Dược phẩm Vimedimex chưa đầy đủ, không đáp ứng được yêu cầu nhưng vẫn được chấm đạt, được điểm tối đa… Ngoài ra, Công ty Vimedimex còn “được bán” nhiều mặt hàng cho BV Mắt TP cao hơn giá bán cho các đơn vị khác với giá trị chênh lệch là gần 200 triệu đồng.
Kế đến, trong năm 2014 BV này mua gần 28 tỉ đồng tiền thuốc. Trong số này, có mặt hàng BV cho mua vượt gần 12 lần so với kế hoạch và giá trị tiền mua thuốc vượt tương ứng là hơn 2,8 tỉ đồng. Tương tự, Công ty Vimedimex Bình Dương lại “được bán” cho BV Mắt TP một loại cao hơn giá mà đơn vị này bán cho BV Mắt Trung ương gần 1.200 đồng/lọ.
Cơ quan thanh tra cũng xác định BV Mắt TP có nhiều sai phạm trong công tác mua sắm trang thiết bị. Theo đó, tổng giá trị vật tư, y dụng cụ, hóa chất được BV mua trong hai năm 2013 và 2014 khoảng 240 tỉ đồng. Qua kiểm tra hồ sơ dự thầu, trúng thầu thì xác định được nhiều đơn vị không có hợp đồng mặt hàng tương tự mặt hàng dự thầu song vẫn được chọn, cho trúng thầu. Ngoài ra, từ tháng 10-2013, BV Mắt được sáu công ty đặt máy, hỗ trợ nhiều trang thiết bị phục vụ cho việc chẩn đoán, mổ mắt trị giá hàng chục tỉ đồng (Pháp Luật TP.HCM từng thông tin). Ngược lại, BV phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm sử dụng trong mổ mắt của các công ty này. Việc này Thanh tra Sở Y tế đã “tuýt còi”, niêm phong nhiều máy móc, thiết bị và buộc BV trả lại hầu hết các máy móc, thiết bị.
Bệnh nhân đang chờ khám, chữa bệnh, phẫu thuật, mua thuốc tại BV Mắt TP. Ảnh: TÙNG SƠN
Kiểm điểm cá nhân, ban giám đốc bệnh viện
Cơ quan thanh tra đã kết luận việc chấm điểm kỹ thuật đối với hồ sơ dự thầu, cung cấp thiết bị do các bác sĩ tại các khoa có nhu cầu mua sắm thiết bị thực hiện. Các bác sĩ này không có chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về đấu thầu và cũng không phải là thành viên của tổ chuyên gia… là sai. Để xảy ra các thiếu sót trên thuộc về trách nhiệm của nhiều cá nhân, trong đó có trách nhiệm giám đốc BV.
Các nội dung thanh tra trên đã được Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận thông qua. Ông Thuận giao giám đốc Sở Y tế chỉ đạo BV Mắt thực hiện nghiêm các kết luận của Thanh tra TP, kiểm điểm các tập thể và cá nhân liên quan, đặc biệt là Ban Giám đốc BV đã không kịp thời chấn chỉnh để sai phạm kéo dài... Từ đó đề xuất hình thức xử lý theo đúng quy định. “Việc liên kết đặt máy móc, trang thiết bị y tế để nâng cao kỹ thuật khám, chữa bệnh (bằng phương thức xã hội hóa) phải có đề án cụ thể, được giám đốc Sở Y tế phê duyệt. Giao Thanh tra TP kiến nghị Thanh tra Chính phủ có kế hoạch thanh tra chuyên ngành đối với việc hợp tác đặt trang thiết bị y tế tại các BV công lập bằng phương thức xã hội hóa để có chấn chỉnh trong toàn ngành y tế” - thông báo kết luận của UBND TP nêu rõ.
Ngoài ra, UBND TP cũng chỉ đạo giám đốc Sở Y tế chỉ đạo BV Mắt TP thu nộp ngân sách gần 6,7 tỉ đồng là tiền khấu hao máy móc chưa đúng quy định.
Bác sĩ bỏ giờ ra ngoài làm riêng Theo BV Mắt TP.HCM, năm 2013-2014 có sáu bác sĩ xin phép tham gia khám, chữa bệnh hỗ trợ chuyên môn tại các cơ sở khác ngoài bệnh viện. Nhưng thực tế có chín người làm bên ngoài, trong đó có bảy bác sĩ không được các cơ sở y tế đó đăng ký hành nghề. Có một bác sĩ được giao chịu trách nhiệm chuyên môn tại BV Mắt TP nhưng đồng thời tham gia làm việc ngoài giờ tại các cơ sở y tế khác với tổng thời gian làm ngoài giờ vượt quá 200 giờ. Trước thực trạng “chân trong, chân ngoài” trên, UBND TP yêu cầu giám đốc BV Mắt chấn chỉnh ngay việc tổ chức, quản lý cán bộ lãnh đạo, bác sĩ bỏ giờ làm việc tại BV đi làm bên ngoài. Lý do là điều này vi phạm Luật Lao động, vi phạm quy chế quản lý ngày công của cán bộ, công chức, viên chức… UBND TP nhấn mạnh hoạt động khối dịch vụ và khối công lập, nếu khối dịch vụ thì các bác sĩ, nhân viên y tế là viên chức phải đảm bảo thời gian làm việc trong giờ theo đúng quy định. Gần 11 tỉ đồng là số tiền mà BV Mắt TP.HCM đã thu trước tiền khám sau khi mổ của bệnh nhân. Tuy vậy, hàng chục ngàn bệnh nhân sau khi mổ xong đã không đến khám. UBND TP.HCM đã yêu cầu BV này phải lập kế hoạch hoàn trả cho bệnh nhân. |