Kiện bác sĩ vì không gọi xe cứu thương

Dù đã lớn tuổi và mắc bệnh tim nặng nhưng tám năm qua, bà Hồ Đông Thanh, ngụ xã Khánh Hưng, Vĩnh Hưng (Long An) vẫn ngược xuôi hết đến Sở Y tế tỉnh Long An rồi lại tới cơ quan đại diện của Bộ Y tế tại TP.HCM để khiếu nại về cái chết của chồng bà. Mới đây, bà đã khởi kiện bác sĩ NTKP (nguyên trưởng một trạm y tế xã) và được TAND huyện Vĩnh Hưng thụ lý.

Chẩn đoán sai, không gọi xe cứu thương?

Theo bà Thanh trình bày, giữa năm 2005, đang ở nhà, bà bỗng thấy chồng xanh xao, tay chân lạnh, ói ra máu nên vội nhờ hàng xóm chở đến trạm xá xã. Đến nơi, dù bà đã báo với trạm y tế là chồng mình có tiền sử bệnh tim, đang uống thuốc điều trị nhưng bác sĩ trạm trưởng NTKP lại chẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày, sau đó chỉ định truyền nước biển và cho uống thuốc đau dạ dày. Trong lúc cấp cứu, thấy bệnh nhân mệt hơn, bác sĩ P. đồng ý với đề nghị của bà là cho chuyển viện tuyến trên.

Vì biết tiền sử bệnh tim của chồng, bà Thanh đã nhờ bác sĩ P. gọi ô tô cứu thương nhưng không được chấp nhận. Bà Thanh kể nói mãi nhưng bác sĩ P. vẫn không đồng ý gọi xe cứu thương nên bà phải cầu cứu một vị bác sĩ quen làm tại bệnh viện huyện Vĩnh Hưng để nhờ ông này gọi điện thoại nói giùm một tiếng. Hôm đó, vị bác sĩ quen này lại có việc bận nên chỉ hướng dẫn cho bà là bằng mọi cách phải chuyển viện bằng xe cứu thương.

Kiện bác sĩ vì không gọi xe cứu thương ảnh 1

Tuy nhiên, sau đó dù bà năn nỉ thế nào, bác sĩ P. cũng không đồng ý vì cho rằng chồng bà chỉ bị xuất huyết tiêu hóa, không có gì nguy hiểm. Vì vậy, bà Thanh buộc lòng phải kêu xe ôm chạy gần 10 km để chở chồng đến bệnh viện huyện. Tiếc rằng chưa đưa đến nơi, chồng bà đã qua đời do bị nhồi máu cơ tim.

Bác sĩ có sai sót nghiệp vụ

Đau xót, bà Thanh một mực cho rằng cái chết của chồng bà là do lỗi của bác sĩ P. Bác sĩ này đã tắc trách chẩn đoán bệnh sai, không chịu gọi xe cứu thương mà cho bệnh nhân chuyển viện bằng xe ôm khiến bệnh nhân không được sơ cấp cứu kịp thời. Vì thế, bà Thanh làm đơn khiếu nại lên Sở Y tế tỉnh Long An yêu cầu xử lý kỷ luật bác sĩ P. và bồi thường thiệt hại cho gia đình bà.

Trong quá trình giải quyết khiếu nại, bác sĩ P. thừa nhận việc xử lý với bệnh nhân như vậy là không đúng. Riêng việc chuyển viện bằng xe ôm là do bà Thanh yêu cầu vì không có tiền đi xe cứu thương chứ không phải do bác sĩ chỉ định. Ngược lại, bà Thanh khẳng định mình hiểu rất rõ chồng bị bệnh tim nên luôn luôn ở trong tình trạng nguy hiểm, đối diện với cái chết bất cứ lúc nào. Dù gia đình nghèo khó đến đâu cũng không thể vì lý do tiền bạc mà đánh cược tính mạng của người thân. Thậm chí bà Thanh còn cho rằng bác sĩ P. nói bà tiếc tiền không cho chồng đi xe cứu thương là đã xâm phạm nghiêm trọng tới uy tín, danh dự của mình. Việc bà năn nỉ bác sĩ cho chồng mình đi xe cấp cứu đã được người hàng xóm đi theo chứng kiến toàn bộ.

Mãi đến tháng 12-2010, Sở Y tế tỉnh Long An mới ra quyết định giải quyết khiếu nại của bà Thanh. Theo nội dung của quyết định, chồng bà vào trạm y tế trong tình trạng xanh xao, tay chân lạnh, mạch nhanh nhẹ, ói máu…, bác sĩ chẩn đoán bị xuất huyết tiêu hóa. Trong lúc cấp cứu, bác sĩ P. thấy tình trạng của bệnh nhân nên có yêu cầu chuyển viện và bệnh nhân được chuyển viện bằng xe ôm. Xét về mặt chuyên môn, bác sĩ P. xử trí như vậy là không đúng. Vì thế, bác sĩ P. phải nghiêm túc kiểm điểm, khắc phục những thiếu sót trong quá trình khám và điều trị cho bệnh nhân.

Quyết kiện đến cùng

Như vậy, kết luận của Sở Y tế tỉnh Long An chỉ dừng lại ở việc bác sĩ trực hôm đó “xử trí không đúng” và yêu cầu rút kinh nghiệm trong chuyên môn, nghiệp vụ mà không hề đề cập đến vấn đề thiệt hại của phía gia đình bệnh nhân.

Không đồng ý, bà Thanh tiếp tục khiếu nại lên Bộ Y tế đề nghị làm rõ hơn về trách nhiệm của bác sĩ P. Bộ Y tế lại chuyển đơn khiếu nại của bà về Sở Y tế nên kết quả là bà cũng chỉ nhận được văn bản giải quyết khiếu nại gần giống như quyết định giải quyết cũ.

Không biết làm sao, bà Thanh đi gõ cửa các trung tâm trợ giúp pháp lý để được hướng dẫn thủ tục khởi kiện. Cuối cùng, bà đã được một văn phòng luật sư nhận giúp đỡ miễn phí về mặt thủ tục pháp lý. Sau khi được TAND huyện Vĩnh Hưng thụ lý đơn kiện, bà Thanh cho biết: “Tôi sẽ quyết tâm kiện tới cùng để làm rõ sự tắc trách của bác sĩ P. trong cái chết của chồng tôi”.

Sau nhiều năm khiếu nại nhưng kết quả vẫn chỉ là những văn bản buộc bác sĩ P. phải rút kinh nghiệm, bà Thanh mệt mỏi và hoang mang, mất phương hướng vì không biết phải làm thế nào nên đã định buông xuôi. Nhưng rồi một lần bà đi xe buýt, nhìn ra cửa thấy một chiếc xe cứu thương hú còi chạy ngang qua, chợt nghĩ đến người chồng xấu số của mình, bà lại ôm mặt khóc. Một người ngồi bên cạnh tưởng bà bị móc túi nên hỏi thăm. Bà bèn kể lại đầu đuôi câu chuyện và nhận được lời khuyên là đừng bỏ cuộc, tìm luật sư để nhờ giúp đỡ. Thương chồng, bà lại tiếp tục hành trình đi gõ cửa các trung tâm trợ giúp pháp lý...

TIẾN HIỂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm