Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, TAND tỉnh Đồng Nai vừa gửi thông báo trả lại đơn kiện cho anh Nguyễn Tấn Đại (ngụ huyện Tân Phú, Đồng Nai), người bị bắt giam oan hơn 1.000 ngày (trong vụ Không bồi thường oan vì… “ai biểu khai gian”).
Anh Đại kiện quyết định không bồi thường oan của VKSND tỉnh Đồng Nai. TAND tỉnh này cho rằng đây là quyết định trong lĩnh vực tư pháp do cơ quan tư pháp ban hành, không phải là quyết định hành chính nên không phải là đối tượng khởi kiện hành chính, không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa.
Trả lời của tòa như vậy có đúng không? Anh Đại phải làm thế nào để yêu cầu VKSND tỉnh này phải bồi thường oan cho mình?
Đổ lỗi cho người bị oan
Như đã phản ánh, anh Đại được cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên không phạm tội hiếp dâm trẻ em, kết thúc hơn 1.000 ngày (gần ba năm) bị giam oan. Suốt bảy năm qua, anh Đại liên tục yêu cầu VKSND tỉnh Đồng Nai xin lỗi, bồi thường oan nhưng gần đây viện này bác đơn.
Lý do: Viện cho rằng “từ lời khai nhận tội ban đầu của Đại, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Phú đã tiến hành khởi tố bị can. Sau khi vụ án được chuyển lên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai thì Đại không thừa nhận thực hiện hành vi hiếp dâm. Anh Đại đã có hành vi cố ý khai báo gian dối để che giấu tội phạm, gây cản trở hoạt động điều tra chứng minh người phạm tội dẫn đến vụ án xảy ra nhưng chưa xử lý được người phạm tội. Như vậy, Đại không được bồi thường”.
Nhiều chuyên gia cho rằng lập luận trên của VKSND tỉnh Đồng Nai là cố tình đánh tráo khái niệm để né bồi thường. Bởi theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, chỉ khi nào người bị oan cố ý khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng khác sai sự thật để nhận tội thay cho người khác và cố ý khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng khác sai sự thật để che giấu tội phạm thì mới không được bồi thường oan. Trong khi anh Đại không nhận tội thay cho bất cứ ai và cũng không khai báo gian dối để che giấu tội phạm nào đó. VKSND tỉnh không tìm ra kẻ phạm tội hiếp dâm rồi đi đổ do anh Đại che giấu tội phạm là lập luận vô lý và trái pháp luật…
Anh Nguyễn Tấn Đại cùng đứa con gái bé bỏng của mình. Ảnh: VŨ HỘI
“Cách hiểu của tòa quá máy móc”
Ông Đinh Văn Quế (nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao) cho rằng việc tòa nhận xét quyết định của VKSND là quyết định trong lĩnh vực tư pháp, không phải quyết định hành chính là không đúng về mặt nhận thức. “Không thể hiểu máy móc là chỉ có cơ quan hành chính mới có quyền ban hành quyết định hành chính. Bởi vì cơ quan tư pháp cũng có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính trong lĩnh vực tư pháp. Quyết định về việc giải quyết đơn yêu cầu bồi thường theo luật bồi thường nhà nước mà không phải là quyết định hành chính thì đó là quyết định gì?!” - ông Quế nói.
Theo ông Quế, cứ cho rằng tòa nói đó không phải là quyết định hành chính đi nữa thì với cái tâm của TAND, tòa phải có trách nhiệm hướng dẫn cho anh Đại khởi kiện theo thủ tục dân sự. “Bởi trong vụ này, VKSND tỉnh phải bồi thường là điều chắc chắn. khi đã bị trả đơn thì anh Đại nên thay đổi yêu cầu khởi kiện của mình theo thủ tục dân sự. Trong đơn kiện, anh Đại nên nói rõ yêu cầu VKSND tỉnh bồi thường và công khai xin lỗi do đã làm oan anh. Anh có thể tính toán để đưa ra yêu cầu cụ thể số tiền để tránh bị tòa hiểu là kiện yêu cầu hủy quyết định không bồi thường như trên”.
Ngoài ra, ông Quế cho rằng với quyết định của VKSND thì anh Đại có quyền khiếu nại đến VKND Tối cao yêu cầu hủy, ban hành quyết định khác theo hướng công nhận yêu cầu của anh. Trong quá trình khởi kiện, nếu VKSND tỉnh ban hành quyết định khác theo hướng chịu bồi thường thì anh có thể rút đơn để thương lượng.
Bản án là căn cứ khởi kiện
TS Lê Minh Hùng (Trưởng bộ môn Luật dân sự, ĐH Luật TP.HCM) phân tích căn cứ vào Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì cơ sở khởi kiện dân sự của anh Đại là vững chắc. Theo đó, khoản 2 Điều 6 luật này quy định căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường là bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc các trường hợp được bồi thường; có thiệt hại thực tế do người tiến hành tố tụng hình sự gây ra đối với người bị thiệt hại.
“Trong vụ này, anh Đại đã được hai cấp tòa tuyên không phạm tội hiếp dâm trẻ em, đây là căn cứ vững chắc để anh Đại khởi kiện yêu cầu VKSND tỉnh Đồng Nai xin lỗi, bồi thường oan. Thiệt hại thực tế đã xảy ra khi anh bị giam oan hơn 1.000 ngày gây đau khổ về mặt tinh thần cũng như mất thu nhập thực tế trong khi anh là lao động chính. Trách nhiệm bồi thường thì không bàn cãi gì thêm vì khoản 5 Điều 31 luật này cũng quy định rõ (VKSND có trách nhiệm bồi thường oan khi tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định của tòa án cấp sơ thẩm tuyên là không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội)” - TS Hùng nói.
Vậy sau khi anh Đại khởi kiện, trách nhiệm của tòa án có thẩm quyền sẽ như thế nào? “Tại Điều 37 luật nói trên quy định tòa án có trách nhiệm giải quyết yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường theo quy định của pháp luật. Chắc chắn hơn thì cần có biên bản về việc thương lượng không thành giữa cơ quan làm oan và người bị oan nhưng do ngay từ đầu VKSND đã chối bỏ trách nhiệm của mình nên trường hợp này tòa vẫn thụ lý giải quyết bình thường” - TS Hùng khẳng định.
Anh Đại có thể kiện ra TAND huyện nơi anh cư trú Theo tôi, luật cho phép anh Đại khởi kiện trực tiếp yêu cầu VKSND tỉnh bồi thường mà không phụ thuộc vào quyết định giải quyết đơn yêu cầu bồi thường trước đó của cơ quan này. Trách nhiệm của VKSND là phải bồi thường nhưng khi anh chối bỏ trách nhiệm ấy thì cần cơ quan khác ràng buộc, đó là tòa án. Quá trình giải quyết tòa sẽ xét luôn quyết định từ chối bồi thường của VKSND là đúng pháp luật hay không. Đây không phải kiện hành vi sai trái của cán bộ, công chức gây oan sai mà kiện cơ quan nhà nước bồi thường, trách nhiệm liên đới và hoàn trả giữa cán bộ và cơ quan nhà nước đó tính sau. Do đó anh Đại cần điều chỉnh yêu cầu khởi kiện ban đầu thì chắc chắn tòa phải thụ lý vụ kiện. Tuy nhiên, cần chú ý thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm vụ án dân sự ở đây là TAND cấp huyện nơi anh Đại cư trú chứ không phải TAND tỉnh, tức TAND huyện Tân Phú, Đồng Nai. Luật sư Nguyễn Toàn Thiện, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư VKSND Tối cao sẽ làm rõ Liên quan đến vụ này, khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Hữu Thể (Phó Viện trưởng VKSND Tối cao) từng phát biểu: “Về nguyên tắc, với những việc có ý kiến khác nhau như thế và báo chí lại có phân tích, phản ánh thì VKSND Tối cao sẽ yêu cầu địa phương báo cáo, thậm chí rút hồ sơ lên xem xét. Vừa qua, Quốc hội đã có nghị quyết giám sát về oan, sai và bồi thường cho người bị oan trong tố tụng hình sự. Trên cơ sở đó, chúng tôi tới đây sẽ lập đoàn kiểm tra, rà soát các vụ án có nghi ngờ oan, bao gồm cả những việc từ chối xin lỗi, bồi thường. Những việc như báo nêu sẽ được xem xét, giải quyết thấu đáo”. Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) cũng đã hướng dẫn anh Đại gửi hồ sơ đến trung tâm hỗ trợ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của Cục để Cục có cơ sở trả lời chính xác. |