Kiện lúc giao thời, tòa nào xử?

Năm 2007, ông N. (sinh năm 1942, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) xin giấy phép sửa chữa nhà và nâng thêm tầng thứ ba căn nhà mình. Nhưng trong lúc đang thi công thì ông N. phát hiện bản vẽ chiều ngang nhà 3,6 m, trong khi chiều ngang nhà thực tế là 3,7 m. Vì thế ông N. vẽ lại bản vẽ với chiều ngang 3,7 m và tiếp tục xây dựng nhưng chưa điều chỉnh giấy phép xây dựng đã xin trước đó.

Chuyển vụ án vì đơn kiện bổ sung

Trong lúc xây dựng sửa chữa lại nhà, ông N. còn bị chủ nhà liền kề có đơn phản ánh khiếu nại, cho rằng ông xây lấn chiếm không gian nhà người khác. Sau khi tiếp nhận xử lý và có kết quả thanh tra, tháng 9-2008, UBND quận Bình Thạnh ban hành Quyết định (QĐ) số 6441 về việc xử phạt hành chính ông N. và buộc phá dỡ phần diện tích xây dựng nới rộng ngoài ranh cấp phép tại tầng ba với diện tích 0,55 m2.

Không đồng ý với quyết định của UBND quận nên ông N. không thực hiện phá dỡ phần diện tích bị ủy ban cho là xây sai phép. Vì vậy, tháng 8-2014, UBND quận Bình Thạnh tiếp tục ban hành QĐ 6209 với nội dung cưỡng chế thi hành QĐ 6441. Một tháng sau ông N. khởi kiện yêu cầu tòa hủy QĐ 6209 của UBND quận và TAND quận Bình Thạnh đã thụ lý vụ kiện hành chính. Vụ án đang trong quá trình giải quyết thì ngày 5-7-2017, ông N. nộp đơn bổ sung yêu cầu hủy luôn QĐ 6441 về việc xử phạt hành chính và buộc phá dỡ phần nới rộng.

Trong phiên tòa ngày 28-7 mới đây, TAND quận Bình Thạnh nhận định rằng: Ngày 5-7-2017 (sau ngày Luật Tố tụng hành chính (TTHC) 2015 có hiệu lực), ông N. có đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện hủy QĐ 6441. Theo quy định tại Điều 32 Luật TTHC 2015 thì thẩm quyền giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính của UBND cấp huyện là của TAND cấp tỉnh (khác với Luật TTHC 2010, khiếu kiện quyết định của UBND cấp huyện thẩm quyền thuộc TAND cấp huyện).

Từ nhận định trên, TAND quận đã đình chỉ việc xét xử và chuyển hồ sơ vụ án cho TAND TP.HCM theo khoản 3 Điều 165 Luật TTHC 2015. Cụ thể, điều luật này quy định: Trường hợp đương sự xuất trình quyết định hành chính mới mà quyết định hành chính đó liên quan đến quyết định bị khởi kiện và không thuộc thẩm quyền của tòa án đang xét xử sơ thẩm vụ án thì HĐXX đình chỉ và chuyển cho tòa án có thẩm quyền.

Tòa huyện chuyển đúng?

Vụ việc này đang có hai luồng quan điểm khác nhau, có ý kiến cho rằng việc tòa huyện chuyển vụ án là sai, trong khi có ý kiến lại khẳng định chuyển là đúng và có lợi cho người khởi kiện.

Luật sư (LS) Trịnh Văn Hiệp (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Quảng Nam) và một kiểm sát viên VKSND TP.HCM cùng cho rằng vụ này TAND quận phải tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung.

Căn cứ theo khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 104/2015 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về thi hành Luật TTHC 2015 thì: “Đối với những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện đã được TAND cấp huyện thụ lý giải quyết trước ngày 1-7-2016 thì tòa án đã thụ lý tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không chuyển cho TAND cấp tỉnh giải quyết”.

Theo quy định trên thì việc TAND quận Bình Thạnh đình chỉ việc xét xử, chuyển hồ sơ vụ án lên cho tòa TP giải quyết là không đúng quy định của pháp luật. Bởi vụ án hành chính này đã được TAND quận Bình Thạnh thụ lý giải quyết trước ngày Luật TTHC có hiệu lực.

LS Hiệp phân tích: “Không thể hiểu máy móc là đương sự có yêu cầu bổ sung vào ngày 5-7-2017 sau ngày Luật TTHC 2015 có hiệu lực thì chuyển vụ án đi. Chưa kể việc ông N. bổ sung yêu cầu khởi kiện là việc không làm thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ án của tòa sơ thẩm”.

Tuy nhiên, ông Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND Tối cao) khẳng định việc chuyển vụ án là không sai. Bởi khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 104/2015 của Quốc hội chỉ áp dụng với một vụ án “tròn trịa”, tức việc thụ lý giải quyết không phát sinh tình tiết mới và tranh chấp về thẩm quyền. Vụ án này khá hy hữu bởi có hai QĐ hành chính bị kiện được tòa thụ lý ở hai thời điểm trước và sau Luật TTHC 2015 có hiệu lực.

Do vậy, xét về thẩm quyền thì có sự mâu thuẫn tranh chấp về thẩm quyền xét xử theo một trong các trường hợp tại Điều 34 Luật TTHC 2015 (chuyển vụ án cho tòa án khác, giải quyết tranh chấp về thẩm quyền). Ngoài ra, rõ ràng ông N. khởi kiện bổ sung yêu cầu tòa hủy thêm một QĐ khác tại thời điểm thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh. Lúc này vụ án tồn tại hai đối tượng khởi kiện là hai QĐ thuộc thẩm quyền giải quyết của hai cấp tòa khác nhau. Do vậy có cơ sở để chuyển cho tòa án cấp cao hơn thụ lý giải quyết.

“Tôi nghĩ trong tình huống này tòa án cấp sơ thẩm áp dụng khoản 3 Điều 165 Luật TTHC 2015 để chuyển vụ án lên cấp trên là đúng và hợp lý vì đã xuất hiện một QĐ hành chính mới có liên quan đến QĐ bị kiện và không thuộc thẩm quyền của tòa sơ thẩm” - ông Hùng nói.

Đương sự nên mừng!

Về pháp luật thì chưa chắc việc chuyển vụ án của TAND quận Bình Thạnh là sai vì đang có ý kiến khác nhau. Nhưng về thực tế người khởi kiện trong vụ án này nên mừng vì vụ kiện đã được tòa án cấp cao hơn giải quyết. Bởi vì trong án hành chính có tình trạng “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện” khi TAND cấp huyện không dám tuyên hủy quyết định của UBND cùng cấp. Nhưng do vướng quy định về thẩm quyền của TAND theo địa hạt tại Luật TTHC cũ nên người khởi kiện đành chịu thiệt ở cấp sơ thẩm, chỉ mong sớm được tòa cấp phúc thẩm xem xét, giải quyết thì mới có cơ hội thắng kiện.

Đây cũng chính là tinh thần tiến bộ đã được thể hiện tại Điều 32 Luật TTHC 2015: Thẩm quyền giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính của UBND cấp huyện là của TAND cấp tỉnh. Theo tôi, trong vụ án này có thể về pháp lý còn tranh cãi nhưng tòa cấp sơ thẩm đã chuyển vụ án theo nguyên tắc có lợi cho người khởi kiện, vì thế đây là điều đáng mừng.

LS LÊ VĂN BÌNH, Đoàn LS TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm