Thông tin từ Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) ngày 4-5, cho biết, vừa qua Câu lạc bộ các trường cao đẳng sư phạm trực thuộc Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Công tác bồi dưỡng giáo viên theo chương trình, sách giáo khoa mới và tuyển sinh năm 2019”. Tuy nhiên phần lớn ý kiến phát biểu tại tọa đàm lại chủ yếu tập trung vào vấn đề tương lai của hệ thống trường sư phạm địa phương.
Trường sư phạm lúc ồ ạt, lúc bão hòa
Theo Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu phát triển không ngừng của giáo dục đất nước, cùng với các trường sư phạm trung ương, hệ thống các trường sư phạm địa phương đã hình thành từ nhiều thập kỷ qua và liên tục được mở rộng.
Những năm gần đây, tham gia vào việc đào tạo giáo viên cho giáo dục mầm non và phổ thông đã có 9 trường ĐH sư phạm, 1 trường ĐH giáo dục, 31 khoa sư phạm ĐH, 35 trường CĐ sư phạm, 19 khoa CĐ sư phạm và 3 trường trung cấp sư phạm. Quy mô tuyển sinh hàng năm khoảng 23.000 sinh viên ĐH sư phạm chính quy và khoảng 26.000 sinh viên CĐ sư phạm chính qui.
Với quy mô như vậy, trong nhiều năm qua có tình trạng nhu cầu về giáo viên giảm trong khi số lượng giáo sinh ra trường lại không hề giảm. Hậu quả là số sinh viên sư phạm bị thất nghiệp khi ra trường tăng liên tục.
Do đó, ngành giáo dục hiện đang phải triển khai nhiều biện pháp nhằm sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm, trước hết là các trường sư phạm địa phương để nâng cao chất lượng đào tạo giáo sinh và bảo đảm khai thác hiệu quả hệ thống trường sư phạm. Cùng với đó là chủ trương “đại học hóa” đội ngũ giáo viên phổ thông, đang có xu hướng tập trung giao nhiệm vụ đào tạo đội ngũ giáo viên chỉ cho một số trường ĐH sư phạm trọng điểm.
Kiến nghị giữ nguyên hệ thống sư phạm
Trước tình hình đó, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam đã kiến nghị khẩn cấp lên Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan về số phận các trường sư phạm địa phương.
Cụ thể, hiệp hội kiến nghị Bộ GD&ĐT trước mắt giữ nguyên hệ thống cơ sở sư phạm như hiện nay. Thực hiện phân tầng hệ thống này thành các trường ĐH sư phạm/ĐH giáo dục trọng điểm, các trường/khoa ĐHSP địa phương, các trường /khoa CĐSP địa phương. Thực hiện đào tạo và bồi dưỡng giáo viên chủ yếu theo địa chỉ (không theo cơ chế thị trường). Sinh viên sư phạm phải được ưu tiên vay tín dụng nhà nước và được xóa nợ tín dụng nếu chấp nhận làm việc trong ngành.
Bộ GD&ĐT quy định các chuẩn của chương trình đào tạo giáo viên (nội dung cứng) để tạo cơ chế liên thông, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống. Việc nâng chuẩn trình độ của giáo viên phải gắn liền với quy hoạch nâng cấp đào tạo của các cơ sở sư phạm.
Về lâu dài, các cơ sở sư phạm nên từng bước chuyển thành trường giáo dục trong các ĐH đa lĩnh vực hoặc khoa sư phạm trong các trường ĐH địa phương /CĐ cộng đồng để có sự ổn định trong hoạt động và huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn cơ sở giáo dục ĐH trong đào tạo giáo viên khi xuất hiện nhu cầu lớn.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần xây dựng chiến lược & quy hoạch phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, quy định tiêu chuẩn chất lượng các loại giáo viên. Các cơ sở sư phạm không tranh giành nguồn tuyển hoặc đào tạo chồng chéo.
Ngoài ra, Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam cũng đề nghị Thủ tướng có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc sắp xếp, quy hoạch các trường CĐSP địa phương. Có văn bản chỉ đạo các Sở G&-ĐT giao nhiệm vụ cho các trường CĐ sư phạm tham gia bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; tham gia bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng nghiệp vụ.