Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định như trên tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 do Bộ GD&ĐT tổ chức vào sáng 2-8.
Hội nghị trực tuyến về tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 được tổ chức vào sáng nay tại Hà Nội. ẢNH: BÁO CHÍNH PHỦ
Phát biểu tại hội nghị, ông Đam đã khái quát một số thành tựu của ngành giáo dục năm học 2017-2018 như tự chủ đại học, giáo dục đại học có bước khởi sắc, mầm non ở khu CN được quan tâm… Điều đó cho thấy vấn đề đổi mới giáo dục đang đi đúng hướng, tuy nhiên trong quá trình thực hiện không tránh khỏi những sai sót.
Ông Đam nhấn mạnh: “Đổi mới giáo dục là một quá trình không thể ngày một, ngày hai. Đổi mới cần phải có lộ trình, ngay như việc thi THPT quốc gia cũng phải có lộ trình. Từ năm 2015 bắt đầu làm, đến 2021 thì mới xong lộ trình. Và trong lộ trình đó không có giải pháp nào là hoàn hảo. Do vậy, đã làm rồi thì phải cầu thị, kiên trì. Mặt khác, đổi mới luôn phải đặt trong bối cảnh của tình hình kinh tế-xã hội. Khi làm một giải pháp, nó tác động rất nhiều mặt nên phải tính toán cân đối. Đặc biệt đổi mới phải đi theo xu hướng của thế giới. Không thể một lý do nào đó mà đi ngược lại xu thế”.
Cũng theo ông Đam, giáo dục là lĩnh vực nhận được sự quan tâm của toàn dân. Chính phủ chỉ đạo luật, nghị định, thông tư đều đưa lên mạng để lấy ý kiến toàn dân. Nhưng rất nhiều lĩnh vực, nhiều nghị định, nhiều luật trong quá trình lấy ý kiến hầu như rất ít ý kiến góp ý, chỉ khi thực hiện bị vướng thì một số người mới lên tiếng. Riêng giáo dục may mắn nhận được sự góp ý của nhiều chuyên gia, mỗi người một ý và các ý kiến đề có lý. “Trong quá trình ban hành mọi chủ trương, chính sách, nên mở các diễn đàn để thu nhận ý kiến, qua tranh luận, qua góp ý sẽ nhìn thấy cái gì là lợi nhất. Giáo dục quan trọng là cởi mở, minh bạch mới tạo ra sự đồng thuận xã hội”, ông Đam nói.
Đề cập đến trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, ông Đam cho rằng những gì đã làm tốt cần phát huy, những gì chưa làm được cần nghiêm khắc cầu thị. Quan trọng là đổi mới về khâu quản lý nhà nước.
Về đội ngũ giảng dạy, thầy cô phải là người gương mẫu. Thực tế, hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước, ai cũng gương mẫu, thế nhưng số lượng thầy cô không gương mẫu không phải là ít. “Năm học này, ngành giáo dục phải phát động phong trào thi đua trong các thầy cô. Ai vi phạm sẽ bị loại ra khỏi ngành. Biết rằng khi sa thải một người ra khỏi ngành sẽ làm ảnh hưởng đến cả họ nhưng không thể vì một người mà ảnh hưởng đến tương lai con em chúng ta”, ông Đam bày tỏ.
Về khâu biên chế, tuyển dụng giáo viên, hiện nay Chính phủ đã giao bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ rà soát vấn đề này. Từ trước đến nay, Bộ GD&ĐT không nắm được tình hình biên chế của từng địa phương. Mãi đến đầu nhiệm kỳ vừa rồi, Bộ mới có sự rà soát đội ngũ, nắm được số lượng của giáo viên của từng trường, từng địa phương. Và đây chính là cơ sở để làm tốt việc triển khai biên chế giáo viên.
Ông Đam cũng cho biết Nghị quyết về tinh giản biên chế từ nay đến 2021 là giảm 10% biên chế hưởng lương nhưng không phải cắt 10% biên chế giáo viên. Nghị quyết chủ yếu tập trung ở bộ phận biên chế gián tiếp còn về đội ngũ giáo viên trên tinh thần vẫn đảm bảo số lượng.
Theo ông Đam, việc sắp xếp trường lớp cũng phải dựa trên điều kiện thực tế của từng địa phương. “Chúng ta luôn nói giáo dục là quốc sách nhưng chưa lo đủ trường lớp cho học sinh, hầu hết tại các thành phố lớn, các em chỉ được học có 1 buổi. Tôi nghĩ vấn đề này các địa phương cần xem lại, chỉ cần chúng ta cân đối lại nguồn lực có thể làm được”, ông Đam nhấn mạnh.
Về cơ sở vật chất, Phó Thủ tướng cho rằng vấn đề này cần được quan tâm, đặc biệt trong năm nay sẽ giải quyết vấn đề nhà vệ sinh. Các trường thay vì giấu giếm hiện trạng nhà vệ sinh thì nên công khai hình ảnh trên mạng xã hội để kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng cũng như doanh nghiệp. Mặt khác, muốn nhà vệ sinh sạch thì thầy cô giáo cần dạy học sinh thói quen giữ gìn nhà vệ sinh.