Giống các nghệ sĩ lão làng của sân khấu cải lương Việt Nam như: Thanh Điền, Bảo Quốc, Lệ Thủy, cố nghệ sĩ Kim Ngọc, Minh Vương... nghệ sĩ Kiều Mai Lý có gần 50 năm theo nghề diễn. Chị và những tên tuổi cùng thời đã trải qua nhiều thăng trầm của bộ môn nghệ thuật truyền thống.
Với bản lĩnh nghề nghiệp, khi cải lương không còn cực thịnh, những gương mặt này tiếp tục trụ lại với kịch nói, tấu hài, phim truyền hình... Ở lĩnh vực nào, họ cũng luôn được khán giả yêu mến.
Kiều Mai Lý trong vai bà Sáu của phim "Xóm gà". Ảnh: P.S.
Kiều Mai Lý là một trong số ít những nghệ sĩ đi lên từ cải lương và hiện giờ tiếp tục "tả xung hữu đột" ở các lĩnh vực biểu diễn khác. Dù trên sàn diễn, hay ở phim trường, nữ nghệ sĩ sinh năm 1949 vẫn giữ nét duyên và chất riêng: mộc mạc, chân chất, gần gũi khán giả. Chị có thể tếu táo vai hài với diễn viên Anh Vũ ở tụ điểm sân khấu; rồi sau đó lên một câu cải lương mùi mẫn với chất giọng cao, khỏe trong một vở diễn chính thống; có lúc lại hóa đanh đá, chua ngoa trên phim truyền hình.
Gần đây nhất, vai bà Sáu Gà của Kiều Mai Lý trong bộ phim truyền hình Xóm gà, được nhiều khán giả yêu thích. Xóm gà là câu chuyện nói về những cô gái làm nghề bán thân, họ cũng là miếng mồi để bọn cò dắt khách và chủ chứa kiếm lợi. Khi xóm này vào diện giải tỏa, những thành phần bất hảo của khu vực này, mà nổi bật là bà Sáu Gà do Kiều Mai Lý thể hiện, quyết liệt chống lại chuyện giải tỏa vì đây là nơi họ kiếm lợi dễ dàng.
Kiều Mai Lý tâm sự, chị thích vai diễn ngay từ khi đọc kịch bản. "Bà Sáu Gà là kiểu nhân vật rất thật, bám sát thực tế. Có thể có những khán giả không thích Xóm gà, vì họ không hiểu vì sao con người ta lại có thể lộn xộn, nheo nhóc... đến như vậy. Nhưng tôi nghĩ, phim lột tả được bộ mặt trần trụi của cuộc sống xóm lao động nghèo, ở dưới đáy thấp của xã hội", Kiều Mai Lý chia sẻ.
Nữ nghệ sĩ thích những vai diễn gần gũi đời sống. Ảnh: T.H. |
Nữ nghệ sĩ thích những vai diễn gần gũi đời sống. Ảnh: T.H.
Ở tuổi hơn 60, điều khiến Kiều Mai Lý tự hào mỗi khi nhắc đến là chị có thể hòa mình vào tập thể rất vui vẻ, hồn nhiên. Làm việc với êkíp nào Kiều Mai Lý cũng được anh chị em trong đoàn quý mến. Chị giản dị, chan hòa trong giao tiếp, nhưng nghiêm túc trong tác phong công việc.
Chị chưa bao giờ để bị phàn nàn do đi trễ, chạy sô chụp giật làm ảnh hưởng đến đoàn. Chị kể, ngày trước khi đi diễn với nghệ sĩ Diệp Lang hay Bảo Quốc, có khi các nghệ sĩ lớn tuổi phải ngồi đợi mòn mỏi các em trẻ đến tập.
"Lịch tập 9h thì 15 phút trước đó ba đứa già đã có mặt. Đợi đến 13h hay 14h mới thấy bạn diễn trẻ lò dò đến, rồi họ cũng giải thích qua quýt vài câu", nữ nghệ sĩ bùi ngùi nói.
"Nghề này vô biên lắm. Nếu mình làm việc với cái tâm, trân trọng nghề nghiệp thì gặt hái được quả ngọt. Còn nếu mà tự mãn, hay mất đức thì ông tổ sẽ không tha, cho đó rồi lấy lại. Có khi cũng thảm khốc hơn không chừng".
Nhưng cũng có những người trẻ làm cho chị thấy thêm yêu nghề, yêu đời từ cách làm việc hăng say, đầy trách nhiệm của họ. Chị thích cảm giác được trao đổi về vai diễn một cách thẳng thắn với các em trên phim trường. Rồi sau buổi quay, chen vai nhau cùng ngồi ăn tô hủ tiếu gõ lúc giữa khuya. "Ở tuổi của mình, làm nghề đã lâu mà được sống trong không khí chan hòa như thế thì còn gì bằng", chị nói.
Hiện tại, Kiều Mai Lý khá đắt sô quay phim, cải lương truyền hình, cũng như đi diễn ở tỉnh. Chị nói, bây giờ làm việc còn nhiều hơn thời trẻ. Nhưng vốn xuất thân là dân cải lương "chính cống", chị không giấu sự chạnh lòng khi nói về tình trạng sa sút của bộ môn nghệ thuật này.
"Tại sao cứ nghĩ cải lương là phải phục trang sặc sỡ, rực rỡ và phải đẹp, dù đóng vai gì cũng phải đẹp. Vai nghèo cho ra vai nghèo. Không ít vở bây giờ, cô lái đò nghèo toàn mặc nhung lụa. Khán giả đến để nghe nghệ sĩ trải lòng mình trong số phận của nhân vật, trong câu hát, chứ không phải để ngắm trang phục, cảnh trí lộng lẫy", chị nói liền một mạch, hơi cao giọng.
Chị bùi ngùi nhớ lại thời hoàng kim của sân khấu, khi nó luôn được coi là một thánh đường nghệ thuật. Đó là thời mà các diễn viên hài hòa với nhau trong từng lời ca, câu hát, từng động tác diễn xuất. Ở đó, cải lương không còn cảnh phô trương áo quần kim sa lóng lánh mà chất mộc của diễn xuất, của nội tâm nhân vật được đẩy đến tận cùng trong những kịch bản mang đậm ý nghĩa nhân văn.
"Nhắc để biết mình buồn và biết mình còn mong mỏi lắm cái thời xưa quay trở lại", Kiều Mai Lý trầm ngâm.
Kiều Mai Lý qua nét cọ họa sĩ Nhốp. |
Kiều Mai Lý qua nét cọ họa sĩ Nhốp.
Chị cho rằng, bên cạnh việc thực hiện những vở cải lương tiền tỷ, tiền trăm triệu, yếu tố con người vẫn là cốt lõi. Làm sao để nghệ sĩ khi diễn phải chăm chút từng động tác nhỏ, thổi được hồn vào nhân vật thì mới có thể khiến lớp khán giả mới không quay lưng với cải lương.
Gần 50 năm theo nghề, nhiều người muốn giúp chị thực hiện một chương trình riêng để ghi dấu ấn, nhưng ngẫm nghĩ, Kiều Mai Lý từ chối. Tự nhận mình may mắn trong nghề, cuộc sống riêng lẫn nghề nghiệp không có nhiều thăng trầm, nữ nghệ sĩ thấy không cần nói nhiều về bản thân mình. Chị chỉ có một ước mong tổ nghiệp cho chị theo nghề đến khi không còn diễn được nữa.
"Chết đứng, chết ngồi gì cũng được, miễn đang hát mà ra đi là thanh thản nhất...", chị nói vui kèm theo cái cười sảng khoái.
* Ảnh: Kiều Mai Lý trong vai bà Sáu 'Xóm gà' |
Theo Thoại Hà (VNE)