Kinh nghiệm phim Hàn tràn Việt Nam

Phim phải hay, hướng đến nhu cầu, thị hiếu cả khán giả trong, ngoài nước. Pháp Luật TP.HCMđã trao đổi với các nhà làm phim Hàn Quốc.

. Theo ông, ở Hàn Quốc ranh giới giữa phim nghệ thuật và phim thương mại được phân biệt như thế nào?

+ Nhà sản xuất Won Dong-Yeon: Thông thường người ta dựa vào kinh phí sản xuất. Nhưng tôi nghĩ đó là sự phân biệt không đúng lắm! Bởi phim nghệ thuật thường là những phim dùng để chuyển tải thông điệp, còn phim thương mại thì nhà sản xuất phải tìm hiểu tại thời điểm phim làm ra thì nhu cầu xã hội, khán giả thích xem phim như thế nào; hay vấn đề thời sự đang là gì... Ở Hàn Quốc rất ít dùng cụm từ phim nghệ thuật khi phân biệt với phim thương mại mà thường dùng cụm từ phim độc lập.

Không có biện pháp đặc biệt nào

. Được xem là một đạo diễn phim thương mại thành công, ông quan niệm như thế nào về sự phân loại phim?

+ Đạo diễn Choo Chang-Min: Ngoài sự phân loại phim độc lập và những dự án phim bom tấn mang yếu tố thương mại, ngay trong phim thương mại cũng có nhiều thể loại khác như hài, lãng mạn, hành động, giả tưởng...

Kinh nghiệm phim Hàn tràn Việt Nam ảnh 1

Cả hai đã chia sẻ với bạn đọc Pháp Luật TP.HCM về những kinh nghiệm của điện ảnh Hàn Quốc đem phim đến với khán giả. Bộ phim Masquerade (Hoàng đế giả mạo) được chiếu khai mạc liên hoan. Ảnh: MGS

Theo tôi nghĩ, càng nhiều thể loại phim thì chứng tỏ nền điện ảnh càng phát triển đa dạng, mạnh mẽ. Nền điện ảnh phát triển nào cũng tồn tại song song phim nghệ thuật và phim thương mại. Phim thương mại làm sao để mọi khán giả đều xem được, hiểu được và có những đồng cảm chung thì mới thành công. Và bên cạnh đó, phim độc lập tạo tiếng vang lớn cũng là thành công. Như tháng 9 vừa qua phim Pieta (tựa tiếng Việt: Đức Mẹ sầu bi) thuộc dòng phim độc lập của đạo diễn Kim Ki Duk được giải thưởng Sư tử vàng ở Liên hoan phim Venice, tôi cho đó là thành công của điện ảnh Hàn Quốc.

. Những người thực hiện mong muốn Liên hoan phim Việt-Hàn góp phần tạo thói quen cho khán giả xem phim nghệ thuật. Vậy ở Hàn Quốc, ban đầu những nhà sản xuất hay chính phủ có biện pháp đặc biệt nào thu hút khán giả xem phim không?

+ Đạo diễn Choo Chang-Min: Tôi cho rằng không có phương pháp gì lôi kéo khán giả đến rạp mà chính là phim hay và thú vị hơn thì người ta sẽ tự đến rạp xem.Những năm 1970-1980, khán giả Hàn Quốc thích xem phim Hollywood hơn nhưng một ngày khán giả bỗng đến rạp xem phim Hàn Quốc, họ phát hiện ra ồ, phim Hàn Quốc cũng có nhiều cái thú vị, nhiều cái để xem... đó là khi phim Hàn Quốc đã có những bộ phim hay. Phim Hàn Quốc bây giờ không chạy theo số lượng mà chú ý đến chất lượng.

Kinh nghiệm phim Hàn tràn Việt Nam ảnh 2

Chân dung nhà sản xuất Won Dong-Yeon (trái) và đạo diễn Choo Chang-Min.

Chỉ tài trợ cho phim độc lập

. Hiện nay chính phủ Hàn Quốc có chính sách hỗ trợ nào cho điện ảnh không, thưa ông?

+ Nhà sản xuất Won Dong-Yeon: Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho điện ảnh về kinh phí làm phim; chính sách bảo hộ để phim Hàn Quốc được chiếu rộng rãi trong nước lẫn quốc tế. Tuy nhiên, chính phủ chỉ hỗ trợ những dự án phim nghệ thuật, phim độc lập. Vì thế tôi cũng không nắm được cụ thể ngân sách hỗ trợ là bao nhiêu mỗi năm.

. Như ông nói, những phim thương mại hầu như không có hỗ trợ của chính phủ, vậy có khó khăn để tìm kiếm những nguồn vốn cho việc thực hiện phim?

+ Làm kế hoạch chi tiết và đảm bảo quá trình làm phim phải theo kế hoạch đó mới khó, chứ để kêu gọi nguồn vốn làm phim thì không khó. Nếu có kế hoạch hợp lý thì rất nhiều nơi sẽ tự tìm đến mình đầu tư.

Phải hướng đến cả nội địa lẫn xuất khẩu

. Với phim Masquerade, nhà sản xuất có tính toán trước đầu ra không?Kế hoạch phát hành phim thế nào...

+ Ngoài phát hành trong nước thì thường phim nào nhà sản xuất, ê kíp làm phim cũng hướng đến việc xuất khẩu phim. Ngay trước lẫn trong quá trình thực hiện phim phải làm sao để từ hình thức đến nội dung phim có thể phát hành được đến càng nhiều quốc gia càng tốt. Masquerade cũng không ngoại lệ.

. Có người cho rằng thời gian đầu điện ảnh Hàn Quốc chú trọng đề tài phim hiện đại lôi cuốn giới trẻ; sau khi đã có khán giả mới chú trọng hơn những phim cổ trang, khai thác văn hóa, lịch sử Hàn Quốc có đúng vậy không, thưa ông?

­+ Tôi không nghĩ vậy. Bộ phim cổ trang Masquerade không chỉ nhắm đến khán giả Hàn Quốc mà còn mang tính thời đại. Tính thời đại ở chỗ phim mang thông điệp người yếu thế khi có quyền lực, có thể dùng quyền lực đó vào việc tốt. Tôi nghĩ khán giả ở bất cứ quốc gia nào cũng cảm thụ được bộ phim này chứ không riêng gì khán giả Hàn Quốc.

. Khi thực hiện một bộ phim thì nhà sản xuất nghĩ đến yếu tố nào?

+ Tiên quyết là phim phải thú vị, đưa đến thông điệp gì cho khán giả. Thông thường nhà sản xuất sẽ nghĩ làm sao thu được lợi nhuận, với đạo diễn thì sẽ cố gắng làm sao để phim hay hơn và cũng để thỏa ý tưởng, đam mê làm phim của họ. Tôi nghĩ những yếu tố cơ bản này gặp nhau sẽ tạo thành một bộ phim hoàn hảo.

26-10 chính thức công chiếu Masquerade

Sau buổi trình chiếu mở màn liên hoan, bộ phim Masquerade (Hoàng đế giả mạo) sẽ ra rạp từ ngày 26-10. Tại Hàn Quốc, sau hơn một tháng công chiếu, phim đã thu hút gần 10 triệu lượt khán giả đến rạp. Bộ phim cũng vượt qua bộ phim cổ trang đang dẫn đầu trong lịch sử phim Hàn Quốc là King & The Clows về tốc độ lượt người xem. Trong khi King & The Clows phải mất đến 24 ngày mới vượt qua được mốc 5 triệu lượt người xem thì Masquerade chỉ cần 18 ngày.

_________________________________________

Đạo diễn Choo Chang-Min và nhà sản xuất Won Dong-Yeon đến TP.HCM trong vai trò khách mời của Liên hoan phim Việt-Hàn lần thứ I đang diễn ra tại Megastar Crescent Mall, quận 7, TP.HCM.

+ Choo Chang-Min là đạo diễn các phim Masquerade (Hoàng đế giả mạo), City of the Rising Sun, Happy Undertaker, The End of April, Mapado, Lost in Love, I love You...

+ Won Dong-Yeon là nhà sản xuất các phim: Masquerade (Hoàng đế giả mạo), The Influence, Marine Boy, 200 Pounds Beauty, The Last Wolf , The Siren...

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm