Kinh tế Trung Quốc gặp khó vì ​thiếu điện lớn nhất 10 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ nhiều tuần qua, Trung Quốc (TQ) đang phải trải qua tình trạng thiếu điện nghiêm trọng nhất trong 10 năm qua, khiến sinh hoạt người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn lớn. Tính đến ngày 30-9, ít nhất 20 trong số 31 tỉnh và khu tự trị TQ phải thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, cắt điện luân phiên trong tuần. Đáng lo ngại hơn, tình trạng này không chỉ gây tác động tiêu cực đến nội bộ TQ mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu do nhiều tập đoàn lớn đặt cơ sở sản xuất tại đây.

Lý do Trung Quốc rơi vào khủng hoảng điện

Theo tờ The Guardian, có một số lý do chính lý giải vì sao TQ lâm vào cảnh thiếu điện đột ngột hiện nay. Đầu tiên, nhiều khu vực trên thế giới đang mở cửa lại sau khi kiểm soát được COVID-19 khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, khiến các cơ sở gia công hàng xuất khẩu tại TQ phải tăng cường sản xuất để đáp ứng. Số lượng đơn hàng điện thoại thông minh, hàng gia dụng, thiết bị tập thể dục và các sản phẩm khác tăng mạnh cũng góp phần khiến lượng điện tiêu thụ tăng mạnh.

Một dây chuyền sản xuất ô tô ở TP Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc ngày 28-9. Ảnh: SCMP

Ngoài TQ, hiện một số quốc gia phương Tây cũng đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước. Các trạm xăng ở nhiều nơi tại Anh phải thông báo hết xăng, dừng hoạt động tuần này. Trong khi đó, Mỹ bị cảnh báo sẽ cạn nguồn khí đốt tự nhiên vào cuối năm nay, theo hãng tin Al Jazeera

Tiếp theo, giá than của TQ trong năm nay liên tục tăng mạnh khiến các nhà máy nhiệt điện phải thu hẹp quy mô hoạt động. Kể từ tháng 1, giá than để sản xuất nhiệt điện tăng vọt từ khoảng 104 USD/tấn lên khoảng 170 USD/tấn trong khi nhu cầu năng lượng không hề giảm đi. Giá than “nhảy múa” nhưng các nhà máy điện không được phép tăng giá điện vượt mức trần của nhà nước nên dẫn tới tình trạng càng đốt nhiều than càng mất tiền.

Theo hãng tin Bloomberg, việc giá than tăng nhanh như trên cũng chủ yếu là hệ quả của chính sách môi trường mới mà chính quyền TQ đang quyết liệt theo đuổi. Các hoạt động sản xuất điện nhiệt từ than về lâu dài cực kỳ ô nhiễm môi trường nên ngành này bị giới hạn hoạt động. Hoạt động khai thác than bị hạn chế dù đóng góp hơn 70% sản lượng điện cả nước. Mục đích của giới lãnh đạo TQ là để mở đường tăng tỉ trọng điện tạo ra từ các nguồn xanh, thân thiện với môi trường hơn như điện mặt trời, điện gió lên mức 20% sản lượng cả nước trước năm 2025.

Năm sau TQ sẽ đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa đông nên Bắc Kinh muốn nhân dịp này chứng tỏ với thế giới rằng TQ là nước công nghiệp xanh và có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về giảm lượng khí thải nhà kính.

Hậu quả nghiêm trọng nếu không giải quyết sớm

Hiện thống kê sơ bộ của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) chỉ ra có đến 44% quy mô hoạt động công nghiệp của TQ bị ảnh hưởng vì tình trạng thiếu điện, khiến tăng trưởng kinh tế nước này trong quý III năm nay giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Một báo cáo khác của Tổng cục Thống kê quốc gia TQ (NBS) công bố ngày 30-9 cho thấy chỉ số quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 9 là 49,6, giảm so với mức 50,1 của tháng 8. Với thang PMI, mốc điểm dưới 50 là đáng lo ngại vì là chỉ dấu của sự suy thoái trong hoạt động sản xuất. Các tập đoàn lớn với tiềm lực kinh tế vẫn còn có thể hoạt động cầm chừng và gánh lỗ, song nạn nhân lớn nhất vẫn là các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ.

“Sản lượng của chúng tôi giảm ít nhất 1/3 và chúng tôi chỉ có thể làm việc từ nửa đêm đến 8 giờ sáng. Công nhân ngủ gật và hiệu suất của họ thấp hơn nhiều so với ban ngày. Nhiều đơn hàng xuất khẩu của chúng tôi đang nguy cơ bị hủy và chúng tôi có thể phải hoãn giao hàng. Chúng tôi phải từ chối nhận thêm các đơn đặt hàng mới” - ông Wang Jie, chủ một xưởng sản xuất giày dép ở tỉnh Quảng Đông, chia sẻ với tờ South China Morning Post.

Trong khi đó, chị Li Hong, nhân viên của một công ty sản xuất tấm pin mặt trời, nói nguồn điện cho công ty đã bị cắt giảm gần 35%. Công nhân đang phải làm việc trong điều kiện ngột ngạt vì không được mở máy điều hòa dù trời nóng. Ông Channey Zhan, một chủ doanh nghiệp sản xuất đồ gia dụng thủy tinh ở tỉnh Quảng Đông, cho biết ông buộc phải đóng cửa một số lò nung vì thiếu điện và lợi nhuận tháng 8 sụt giảm hơn 40%.

South China Morning Post dẫn dự đoán của giới chuyên gia TQ rằng Bắc Kinh thời gian tới sẽ phải có kế hoạch đắp thiếu hụt điện. Cụ thể, nước này sẽ có chính sách chuyển bớt công suất cung cấp cho các ngành công nghiệp nặng - sử dụng nhiều năng lượng như thép, xi măng và nhôm - cho những lĩnh vực khác tập trung nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, dễ bị ảnh hưởng trong đợt khủng hoảng điện lần này.

Cuối tháng 9, Tổng công ty Lưới điện quốc gia TQ đã ra tuyên bố sẽ “dốc toàn lực để đấu tranh với cuộc chiến cung cấp điện”, nỗ lực đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đơn vị này cũng khẳng định đang phối hợp với các cơ quan khác nghiên cứu đề xuất tăng lượng than nhập khẩu và cho phép điều chỉnh giá điện dựa theo cung - cầu của thị trường.

Các tập đoàn điện lực quốc doanh khổng lồ của TQ như State Power Investment Corp (SPIC) và China Energy Investment Corp (CEIC) cũng liên tục ra các cam kết sẽ làm tất cả có thể để đảm bảo cung cấp than và điện cho người dân đủ dùng cho mùa đông năm nay - vốn là giai đoạn nhu cầu sử dụng điện tăng vọt vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Việt Nam chưa bị ảnh hưởng

Theo cổng thông tin chính thức của Bộ Công Thương Việt Nam, hiện chưa ghi nhận phản ánh nào từ phía doanh nghiệp Việt Nam về việc thiếu nguyên liệu đầu vào nhập từ TQ do bị ảnh hưởng của tình trạng thiếu điện. Bộ Công Thương khẳng định một số mặt hàng Việt Nam đã có thể chủ động được nguyên liệu đầu vào như thép xây dựng. Một số ngành khác chưa tự chủ động được trong thời điểm này nhưng cũng chưa bị ảnh hưởng lớn đến nguyên liệu đầu vào, bất chấp các biến động trong ngắn hạn ở các đối tác TQ.

Việt Nam đã đối mặt với việc thiếu nguyên liệu từ năm 2020, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát gây đứt gãy nguồn cung nguyên liệu đầu vào đối với các ngành dệt may công nghiệp nặng. Tuy nhiên, ngay sau đó, các doanh nghiệp đã kịp thời ứng phó và đã chủ động được nguồn cung này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm