Chiều 25-12, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2017, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 tỉnh Nghệ An (UBND tỉnh Nghệ An) tổ chức, một số nhà báo nêu ý kiến về trách nhiệm cơ quan chức năng để phá rừng lớn ở miền núi tỉnh Nghệ An.
Buổi họp báo của UBND tỉnh Nghệ An tổ chức.
Đặc biệt là vụ 189 cây pơ mu quý hiếm bị đốn hạ (phát hiện vào tháng 2-2017) tại địa bàn giáp ranh giữa hai xã biên giới Tam Hợp và Lưu Kiền của huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An).
Đại tá Trần Minh Công, Phó Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An, trả lời thời gian qua lực lượng bộ đội biên phòng đã tích cực phối hợp với các ngành như kiểm lâm, chính quyền địa phương nhưng tại một số xã biên giới vẫn xảy ra phá rừng. Đơn cử như vụ phá rừng ở xã Tam Hợp.
Đại tá Công cho rằng nguyên nhân xảy ra vụ phá rừng ở xã Tam Hợp do địa điểm rừng bị phá xa và sâu nên đi lại kiểm tra, kiểm soát rất khó khăn.
“Liên quan đến vụ phá rừng ở xã Tam Hợp, hiện chúng tôi đã xử lý quyền đồn trưởng với hình thức khiển trách về đảng và kỷ luật quân đội" - Đại tá Công nói.
Trước đó, chiều 15-12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phan Văn Trung (48 tuổi, trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Tam Hợp, huyện Tương Dương) và ông Lê Đình Quyết (39 tuổi, trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng bản Ang, huyện Tương Dương) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Trung và ông Quyết bị điều tra, thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong quản lý để khu vực giáp ranh xã Tam Hợp, xã Lưu Kiền và Nậm Càn của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) bị phá rừng.