Các thông tin bị đánh cắp có thể được sử dụng cho các mục đích thương mại, quảng cáo, thậm chí là chính trị. Tuy nhiên việc hoàn toàn từ bỏ Facebook không khả thi khi hầu hết mọi người vẫn cần ứng dụng này để liên hệ bạn bè, làm việc, kinh doanh...
Vì vậy để tránh rủi ro, bạn nên thực hiện các biện pháp gia tăng bảo mật khi sử dụng Facebook như sau:
- Kiểm tra các ứng dụng liên kết với Facebook: Đầu tiên, bạn hãy truy cập vào phần Settings (cài đặt) > Apps (ứng dụng), bấm vào biểu tượng cây viết chì tại ứng dụng mà bạn cảm thấy không cần thiết. Tại đây, người dùng có thể lấy lại các quyền hạn không cần thiết như đọc địa chỉ email, danh sách bạn bè, thông tin cá nhân của bạn… hoặc nhấn dấu “x” để gỡ bỏ hoàn toàn ứng dụng. Về cơ bản, cách này chỉ phần nào hạn chế tình trạng bị thu thập thông tin cá nhân. Bên cạnh đó, người dùng không nên chơi các ứng dụng không rõ ràng như Bạn giống người nổi tiếng nào ở Việt Nam, Bạn dành cả tuổi trẻ để làm gì…
- Kiểm tra cài đặt bảo mật Facebook: Giảm thiểu chia sẻ các thông tin cá nhân, hình ảnh và bài viết dưới chế độ công khai.
- Không chia sẻ những thông tin nhạy cảm trên Facebook: Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, tài khoản email qua các đoạn chat trên Facebook Messenger.
- Nâng cấp mật khẩu mạnh: Hãy tạo mật khẩu có ít nhất 8 ký tự, trong đó có các ký tự viết hoa, số và ký tự đặc biệt. Thay đổi mật khẩu theo chu kỳ 3 đến 6 tháng 1 lần.
- Sử dụng các xác thực đa lớp: Nên kích hoạt chế độ xác thực hai lớp trong phần Settings (cài đặt) > Security & Login (bảo mật và đăng nhập) > Use two-factor authentication (sử dụng xác thực 2 yếu tố) và làm theo các bước hướng dẫn cho đến khi hoàn tất.