Với sự phát triển của công nghệ, bạn không cần phải là một nghệ sĩ hay nhiếp ảnh gia tài năng thì mới có thể tạo ra các tác phẩm nghệ thuật. Việc bạn cần làm chỉ là nhập mô tả cho hình ảnh bằng văn bản, mọi thứ còn lại sẽ do AI tự thực hiện. Tất nhiên, hình ảnh trả về sẽ phong phú hơn khi bạn cung cấp thêm nhiều chi tiết khác.
Dưới đây là danh sách 5 công cụ tạo ảnh bằng AI tốt nhất hiện nay, được phân loại từ miễn phí đến trả phí và đơn giản đến phức tạp.
Trên thực tế, hầu hết các công cụ đều sử dụng mô hình học máy khác nhau, nên việc sử dụng cùng một đoạn mô tả sẽ cho ra kết quả khác nhau tùy vào công cụ mà bạn sử dụng.
1. Midjourney
Midjourney không phải là công cụ tạo ảnh bằng AI đầu tiên, nhưng giờ đây nó đang là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều người. Điều này là do phiên bản V5 mới nhất của Midjourney đã vượt qua hầu hết các đối thủ cạnh tranh.
Không giống như hầu hết các công cụ khác trong danh sách, bạn không thể truy cập Midjourney thông qua trang web hoặc ứng dụng. Thay vào đó, bạn sẽ cần sử dụng Discord, ứng dụng trò chuyện thường được cộng đồng game thủ sử dụng.
Người dùng mới chỉ có thể tạo được khoảng 25 hình ảnh miễn phí. Khi đăng nhập Discord hoàn tất, bạn hãy tìm đến mục Newbies ở thanh menu bên trái, sau đó nhập lời mô tả cho bức ảnh cần tạo và chờ một lát cho đến khi hoàn tất. Trong một số trường hợp, kết quả mà Midjourney tạo ra có thể giống như ảnh thực tế đến kinh ngạc.
Cách tạo ảnh bằng Midjourney. Ảnh: TIỂU MINH |
2. DALL-E
DALL-E được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2021 bởi OpenAI (công ty đứng đằng sau ChatGPT). Trong phiên bản mới nhất (DALL-E 2), công cụ này đã được nâng lên một tầm cao mới, có khả năng hiểu ngôn ngữ tốt hơn và tạo ra hình ảnh có chất lượng cao hơn.
Việc sử dụng DALL-E tương đối đơn giản, bạn sẽ cần có một tài khoản OpenAI và đăng nhập tại đây. Khi hoàn tất, người dùng chỉ cần nhập lời mô tả vào khung trống tương ứng và nhấn Generate.
Công cụ tạo ảnh DALL-E. Ảnh: TIỂU MINH |
3. Stable Diffusion
Không giống như các trình tạo hình ảnh AI khác trong danh sách này, Stable Diffusion hoàn toàn miễn phí và là mã nguồn mở.
Đầu tiên, bạn chỉ cần mở trình duyệt và truy cập trang web StableDiffusionOnline và nhập lời mô tả. Bạn không cần tạo tài khoản, nhưng kết quả của bạn sẽ được lưu và hiển thị cho những người khác.
Tạo ảnh bằng Stable Diffusion. Ảnh: TIỂU MINH |
Nếu muốn có sự riêng tư, người dùng cần phải tải xuống phần mềm trên máy tính.
4. DreamStudio
Mặc dù Stable Diffusion khá tốt nhưng công cụ này vẫn còn một số hạn chế như không thể tùy chỉnh kích thước hình ảnh, không thể chỉnh sửa sau khi tạo… và để khắc phục việc này, bạn có thể sử dụng DreamStudio.
Tạo ảnh bằng DreamStudio. Ảnh: TIỂU MINH |
DreamStudio cho phép bạn tạo nhiều hình ảnh cùng lúc, thay đổi tỷ lệ khung hình, chỉnh sửa các đối tượng trên hình ảnh do AI tạo ra… mang đến khả năng tùy biến cao.
DreamStudio là một công cụ trả phí, tuy nhiên, bạn có thể trải nghiệm thử với 25 credits miễn phí khi đăng ký tài khoản.
5. Bing Chat
Sau khi được tích hợp ChatGPT, công cụ tìm kiếm Bing đã được nâng lên một tầm cao mới với khả năng thực hiện nhiều tác vụ hơn, bao gồm cả việc tạo ảnh bằng AI.
Dịch vụ này có tên là Bing Image Creator (sử dụng DALL-E). Khi bạn đăng nhập bằng tài khoản Microsoft, trình tạo ảnh sẽ tự động cấp cho bạn 100 tạo ảnh siêu tốc (và số lượt sẽ được tự động bổ sung mỗi tuần).
Tạo ảnh bằng Bing Image Creator. Ảnh: TIỂU MINH |
Như vậy là Kỷ Nguyên Số đã giới thiệu hoàn tất 5 công cụ tạo ảnh bằng AI, giúp người dùng có thể thỏa sức sáng tạo khi bị bí ý tưởng, hoặc thúc đẩy tiến độ công việc nhanh hơn.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.