Không giống các thiết bị iOS, đa số smartphone và tablet chạy Android thường không nhận được bản cập nhật phần mềm hằng tháng từ Google, ngoại trừ một số thiết bị sử dụng Android gốc, Xiaomi, Google Pixel... Điều này đồng nghĩa với việc người dùng sẽ dễ bị tấn công và mất cắp các thông tin quan trọng.
Trong khi chờ đợi bản cập nhật từ nhà sản xuất, bạn đọc có thể cài đặt một số ứng dụng dưới đây để tự bảo vệ mình trong quá trình sử dụng điện thoại.
1. Orbot
Orbot là một proxy sử dụng Tor để mã hóa lưu lượng Internet, đây là cách tốt nhất để bảo mật thông tin khi lướt web trên các thiết bị Android. Ứng dụng hiện được cung cấp miễn phí trên Google Play, tương thích với các thiết bị Android 4.0 hoặc cao hơn, nếu muốn sử dụng những phiên bản cũ, bạn chỉ cần truy cập vào trang web của dự án tại địa chỉ https://guardianproject.info/releases/.
2. LastPass
Nhiều người thường có thói quen đặt mật khẩu đơn giản hoặc sử dụng một mật khẩu cho nhiều tài khoản, điều này khá nguy hiểm bởi lẽ tin tặc có thể dò ra dễ dàng và đánh cắp dữ liệu. Để hạn chế tình trạng trên, người dùng chỉ cần cài đặt ứng dụng LastPass cho smartphone thông qua Google Play hoặc App Store.
Tất cả dữ liệu bao gồm tên đăng nhập, mật khẩu đều được mã hóa, đi kèm theo đó là tính năng tự động điền (Auto fill) khá hữu ích, giúp người dùng có thể đăng nhập nhanh vào các trang web yêu thích chỉ với một cú nhấp chuột. Đồng thời LastPass còn hỗ trợ sao lưu và đồng bộ hóa mật khẩu trên mọi thiết bị.
3. Google Find My Device
Google Find My Device cho phép người dùng tìm lại điện thoại bị thất lạc hoặc đánh cắp, đi kèm theo đó là một số tính năng hữu ích như xóa dữ liệu từ xa, cảnh báo bằng âm thanh… Đối với các thiết bị iOS, bạn chỉ cần kích hoạt tính năng Find My iPhone khi đăng nhập Apple ID. Bạn đọc quan tâm có thể tham khảo bài viết bốn cách tìm lại smartphone bị thất lạc tại địa chỉ http://bit.ly/tim-dt.
4. NordVPN
NordVPN (Virtual Private Network) là mạng riêng ảo, giúp bảo đảm các hoạt động trực tuyến, thông tin gửi/nhận giữa thiết bị và máy chủ đều được mã hóa. Giống như Orbot Tor, ứng dụng được cung cấp hoàn toàn miễn phí trên Google Play (http://bit.ly/nordvpn-1), thiết lập dễ dàng chỉ với vài thao tác.
5. Signal Private Messenger
Đây là ứng dụng nhắn tin bằng văn bản và giọng nói, tuy nhiên khác với các ứng dụng có cùng chức năng, Signal Private Messenger sẽ mã hóa toàn bộ nội dung thông tin để đảm người dùng luôn an toàn. Ngoài ra, ứng dụng cũng có thể xác minh danh tính của người gửi tin nhắn, cũng như sự toàn vẹn của các kênh mà họ đang sử dụng.
Giống tất cả ứng dụng mã hóa tin nhắn, người dùng hai bên đều phải kích hoạt dịch vụ. Một khi kết nối thành công, tất cả dữ liệu, nội dung tin nhắn chỉ được truyền qua lại giữa hai bên.
Phần mềm độc hại trên Android cũng xâm nhập vào thiết bị thông qua các lỗ hổng phần cứng hoặc phần mềm, đặc biệt là khi người dùng thường xuyên cài đặt phần mềm lậu. Bên cạnh đó, bạn cũng nên cẩn trọng với các ứng dụng đến từ Trung Quốc như Pitu, Meitu, UC Browser... để tránh bị mất cắp thông tin.
Sideload là quá trình cài đặt ứng dụng (thông qua tập tin APK) từ những nguồn bên ngoài Google Play. Khi thực hiện việc này, cơ chế bảo vệ của Google sẽ tạm thời không có tác dụng, do đó thiết bị có thể đối mặt với nguy cơ bị tấn công bởi phần mềm độc hại.
Cách đơn giản nhất là bạn chỉ nên cài đặt ứng dụng từ những nguồn chính thống hoặc Google Play (tất nhiên nguy cơ bị lây nhiễm vẫn có), đọc kỹ mọi điều khoản trước khi cài đặt. Đồng thời vô hiệu hóa tùy chọn Unknown sources (không rõ nguồn gốc) trong phần Settings (cài đặt) > Security (bảo mật).
Tất nhiên, việc cài đặt ứng dụng thông qua Google Play không đảm bảo an toàn 100%, nhưng sẽ phần nào hạn chế được việc lây nhiễm phần mềm độc hại và dính mã độc.
Hy vọng với những mẹo nhỏ mà kynguyenso.plo.vn vừa gợi ý bên trên, bạn đọc có thể an tâm hơn khi lướt web và trao đổi thông tin với bạn bè.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.