Vào ngày 9-1-2007 tại MacWorld, Steve Jobs đã chính thức giới thiệu chiếc iPhone thế hệ đầu tiên tới người dùng trên toàn thế giới. Chính thiết bị này đã thay đổi hoàn toàn cách mà chúng ta tiếp cận thông tin và kết nối với nhau, nhiều hãng ngay lập tức cũng bắt chước và cho ra đời các sản phẩm cạnh tranh nhưng vẫn không thể tồn tại.
Ở thời điểm hiện tại, cuộc chiến giành thị phần giữa các hệ điều hành di động chỉ gói gọn giữa hai cái tên quen thuộc là Android và iOS. Vì chậm đổi mới nên cả Windows Phone và BlackBerry đều đã bị tụt lại phía sau, thậm chí thị phần của Windows Phone chỉ còn khoảng 0,7%.
Steve Jobs và khoảnh khắc giới thiệu chiếc iPhone. Ảnh: INTERNET
Mặc dù thị phần của iOS chỉ bằng khoảng 1/5 so với Android nhưng hệ điều hành này vẫn “ăn đứt” Android khi xét về trải nghiệm người dùng và mức độ hài lòng.
1. Trải nghiệm người dùng
Giao diện và những trải nghiệm mà Apple mang lại trên iOS vẫn hơn hẳn so với Android, mặc dù Google đã liên tục kiểm soát và không ngừng cập nhật trong thời gian dài. Thậm chí, kể cả bản Android gốc vẫn không khá hơn khi so với iOS về mức độ đơn giản và tiện dụng.
iOS có giao diện đơn giản nhưng mạnh mẽ. Ảnh: INTERNET
Việc liên kết chặt chẽ các ứng dụng độc quyền iMessage và Facebook đã giúp khóa chặt người sử dụng trong hệ sinh thái Apple. Nếu đang sử dụng nhiều thiết bị của Apple như iPhone, iPad hoặc MacBook, người dùng sẽ cảm nhận rất rõ được sự chặt chẽ và tiện dụng hơn bất cứ hệ điều hành nào khác.
Nhờ có kinh nghiệm lâu năm về phần cứng, phần mềm và tầm nhìn hoàn hảo, Apple đã có được nhiều sản phẩm thu hút người tiêu dùng.
2. Nâng cấp hệ điều hành
Mã nguồn mở chính là điểm mạnh đã tạo nên sự thành công của nền tảng Android, tuy nhiên đây cũng chính là nhược điểm lớn nhất. Hầu như có rất ít người dùng được phép cập nhật ngay hệ điều hành mới khi Google vừa ra mắt, ngoại trừ các thiết bị Nexus.
Thay vào đó, họ phải chờ vài tháng hoặc thậm chí là lâu hơn trước khi được sử dụng các tính năng mới nhất. Tính đến thời điểm hiện tại, phiên bản Android được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới là Lollipop (35,4%), theo sau đó là KitKat (31,6%)... dù đã được phát hành từ hồi năm 2014.
3. Bảo mật
Bảo mật chính là một lợi thế của Apple từ chính sách mã hóa chung, cách tiếp cận và hướng dẫn người dùng bảo vệ thiết bị. Bên cạnh đó, việc đẩy ứng dụng lên App Store cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn so với Google Play.
Ứng dụng trên App Store luôn được kiểm soát chặt chẽ hơn Google Play. Ảnh: M.HOÀNG
Đa số các lỗ hổng bảo mật và phần mềm độc hại hiện nay đều nhắm vào người dùng Android. Trong khi đó, chuyên gia bảo mật Graham Cluley cho rằng iOS chưa bao giờ gặp sự cố phần mềm độc hại nguy hiểm.
4. Ứng dụng của bên thứ ba
Apple kiểm soát chặt chẽ các ứng dụng được tải lên App Store nhằm tránh các hiểm họa có thể xảy đến với người dùng. Bên cạnh đó, những ứng dụng phổ biến như Facebook, Messenger, Skype… cũng được các nhà phát triển ưu ái và cung cấp trải nghiệm tốt hơn trên iPhone.
Xem thêm:
4 sai lầm thường gặp khi sử dụng iPhone - Nguồn thông tin trên mạng là vô tận, tuy nhiên không phải tất cả mọi thứ đều chính xác. Do đó, khá nhiều người đã có quan niệm sai lầm khi sử dụng smartphone.
5. Dịch vụ hỗ trợ khách hàng
Yếu tố cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là hỗ trợ khách hàng, đây là lĩnh vực mà dường như Apple không hề có đối thủ cạnh tranh.
Khi bạn có vấn đề với iPhone, nhân viên Apple sẽ làm mọi thứ có thể để sửa chữa. Những nhân viên dày dạn kinh nghiệm cùng với nơi làm việc thân thiện đã giúp Apple ghi điểm trong mắt người tiêu dùng. Nếu vấn đề không được giải quyết, khách hàng sẽ được đổi một chiếc iPhone mới với đầy đủ dữ liệu cá nhân trước đó.
Nhân viên hỗ trợ qua điện thoại thậm chí còn ấn tượng hơn, họ luôn luôn làm mọi thứ có thể để giải quyết bất kỳ vấn đề nào.