Nhiều nguyên nhân khiến thông tin CCCD bị lộ
Rò rỉ thông tin CCCD không chỉ là nỗi lo "mất tiền" mà còn tiềm ẩn nguy cơ bị đánh cắp danh tính, khiến bạn có thể vướng vào vòng lao lý oan uổng.
Chia sẻ tại hội thảo “An toàn thông tin trong chuyển đổi số” tại Cần Thơ, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết, Việt Nam có gần 78 triệu người dùng Internet hàng ngày, tuy nhiên trong số này có rất nhiều người bị thu thập thông tin cá nhân.
Nguyên nhân đầu tiên đến từ việc các cơ quan, tổ chức thu thập thông tin cá nhân của người dùng nhưng không có biện pháp bảo vệ đủ mạnh, dẫn đến việc bị tin tặc tấn công, hoặc lộ lọt từ nhân viên quản lý dữ liệu, đại diện Cục An toàn thông tin nhấn mạnh.
Với sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo, tội phạm mạng đã không ngừng “nâng cấp” thủ đoạn, từ việc phát tán mã độc qua email, tin nhắn rác đến giả mạo website, ứng dụng để lừa người dùng cung cấp thông tin. Vụ việc hàng loạt hình ảnh CCCD bị rao bán tràn lan trên mạng xã hội thời gian qua chính là hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn thông tin cá nhân.
Ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á nhận xét: “Sự trỗi dậy của AI đã tiếp tay cho tội phạm mạng tạo ra các tin nhắn lừa đảo hoặc lừa đảo tài sản. Điều này dẫn đến sự khó khăn cho người dùng trong việc phân biệt giữa lừa đảo và giao tiếp thông thường. Đây là lý do vì sao vai trò của các giải pháp bảo mật ngày càng trở nên quan trọng”.
Theo báo cáo của Kaspersky, Philippines ghi nhận 163.279 số vụ giả mạo tài chính cao nhất trong năm 2023. Theo sau là Malaysia với 124.105 vụ, Indonesia cũng ghi nhận 97.465 cuộc tấn công, trong khi đó, số vụ tấn công tại Việt Nam là 36.130. Thái Lan và Singapore là hai quốc gia có số lượng tấn công ít nhất, lần lượt là 25.227 và 9.502.
Đáng nói, nhiều người vẫn còn thờ ơ, chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin CCCD, vô tình biến mình thành mục tiêu cho tội phạm mạng.
Hệ lụy từ việc rò rỉ thông tin CCCD tương đối lớn. Cụ thể, người dùng có thể bị lợi dụng để vay tiền online, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị đánh cắp danh tính để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp, thậm chí bị vu khống, gán ghép vào các hành vi vi phạm pháp luật. Uy tín, danh dự, cuộc sống cá nhân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chưa kể đến việc một số công ty còn sử dụng thông tin CCCD của bạn để đăng ký mã số thuế. Khi gặp sự cố, bạn sẽ phải mất rất nhiều thời gian để liên hệ với chi cục thuế và nhờ chỉnh sửa.
Cách kiểm tra thông tin CCCD của bạn có rò rỉ hoặc bị lợi dụng đăng ký SIM khác không
Theo Luật Viễn thông, từ 1-7-2024, các thuê bao sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các số điện thoại mình đã đăng ký sử dụng với nhà mạng.
Do đó, việc kiểm tra các SIM điện thoại được đăng ký bằng số căn cước công dân cũng rất quan trọng, bởi đây là phương thức thường được kẻ gian lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo.
Để thực hiện, bạn hãy soạn tin theo cú pháp TTTB và gửi đến 1414 (miễn phí). Chờ một lát, hệ thống sẽ trả thông tin về các số điện thoại đã đăng ký bằng số CCCD của bạn. Nếu phát hiện số lạ mà bạn không sử dụng, cần liên hệ ngay với nhà mạng để hủy số hoặc điều tra kỹ hơn.
“Để hạn chế tình trạng bị rò rỉ thông tin CCCD, người dùng nên chia sẻ càng ít thông tin càng tốt. Đồng thời tạo thêm một địa chỉ email hoặc số điện thoại phụ, dùng để đăng ký các dịch vụ yêu cầu nhập thông tin cá nhân. Trong trường hợp bị tấn công hoặc rò rỉ dữ liệu, bạn cũng không cần phải quá quan tâm vì đó chỉ là email, số điện thoại phụ” - anh Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena chia sẻ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đầu tư nâng cấp hệ thống bảo mật, bảo vệ dữ liệu khách hàng.
Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu bị lợi dụng thông tin, bạn không nên chần chừ mà hãy đến ngay cơ quan công an để trình báo. Cung cấp đầy đủ các bằng chứng như thông báo từ ngân hàng, tin nhắn đáng ngờ hoặc các tài liệu liên quan để hỗ trợ quá trình điều tra.