Dự án “Tăng cường kỹ năng Công nghệ thông tin cho giới trẻ hội nhập và phát triển” - giai đoạn 1 đã đánh dấu thành công bước đầu của dự án trong việc thu hẹp khoảng cách số, khơi dậy niềm đam mê, phát triển những kiến thức và kỹ năng về khoa học máy tính, ứng dụng công nghệ thông tin cho thanh thiếu niên tại các khu vực khó khăn, đồng thời đóng góp những bài học kinh nghiệm là tiền đề mở rộng quy mô trong các giai đoạn tiếp theo.
Dự án đã xây dựng được một bộ giáo trình môn Tin học trên cơ sở kế thừa chương trình tin học hiện hành và cập nhật các nội dung khoa học máy tính hiện đại, bao gồm các chủ đề: Tin học ứng dụng cơ bản, đồ họa 2D-3D và dựng phim, lập trình 2D-3D và an toàn sử dụng Internet.
Để củng cố hiểu biết lý thuyết qua thực tế, gần 500 em học sinh cùng 40 giáo viên tại 33 trường THCS, THPT dân tộc nội trú trên địa bàn 6 tỉnh/ thành phố (Hòa Bình, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kiên Giang, Sóc Trăng) đã được tham gia 5 chuyến thăm quan học tập du lịch hướng nghiệp tới các trường Đại học, khu công nghiệp, tập đoàn có ứng dụng CNTT và Công nghệ cao vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các em học sinh tham quan phòng làm việc của FPT Trading - Đà Nẵng, thăm quan phòng thực hành thiết bị ứng dụng tại Hòa Bình
Chuyến đi này đã giúp các em học sinh, thanh thiếu niên hiểu biết thêm về môi trường học tập và làm việc, giúp các em yêu thích môn Tin học, khám phá đam mê cũng như vạch ra lộ trình tương lai cho mình.
Chia sẻ từ em Phạm Ngọc Quang lớp 6A2 trường THCS Thị trấn Bo, huyện Kim Bôi, Hòa Bình: "Chuyến thăm quan rất vui, em và bạn bè đã xác định được mục tiêu của mình từ hướng dẫn của các cô chú làm hướng nghiệp. Em được thấy nhiều thiết bị công nghệ cao mà em chưa từng thấy, các điểm thăm quan rộng, đẹp và sạch sẽ. Em cảm thấy rất vui!"
Đánh giá từ cô Vũ Thanh Hoan, trường THCS Nguyễn Du_Quảng Ninh về hoạt động du lịch hướng nghiệp: "Hoạt động này đối với các bạn học sinh rất cần thiết, vì định hướng nghề nghiệp rất quan trọng. Qua những buổi như thế này, các bạn học sinh thể hiện được rõ suy nghĩ và mong muốn của mình, nhờ chuyên gia hướng nghiệp hướng dẫn các bạn đã có hiểu mong muốn của bản thân, hiểu nghề nghiệp mình yêu thích từ đó tự lựa chọn và quyết định được hướng đi của mình sau này. Những trò chơi tập thể thực sự rất hữu ích vì khiến các bạn học sinh có sự tương tác với chuyên viên định hướng nghề nghiệp, tương tác với bạn bè của các trường khác. Đặc biệt, các em đã tự thể hiện được các suy nghĩ của mình, không e ngại về việc phải chia sẻ tới mọi người, không sợ nói ra những điều mình đang băn khoăn. Hoạt động này chúng ta nên phát huy, nhân rộng hơn nữa."
Các em học sinh và giáo viên sôi nổi tham gia hoạt động định hướng nghề nghiệp và chia sẻ từ các em học sinh về ước mơ, nghề nghiệp mong muốn theo đuổi
Công nghệ đã và đang chuyển đổi thế giới theo cách tích cực và sáng tạo nhất. Hòa mình vào cuộc Cách mạng Công nghệ lần thứ 4, mục tiêu của Microsoft là đem lại cơ hội cho mọi người bằng Công nghệ. Các thanh thiếu niên dù ở đâu, miền núi hay hải đảo... đều có thể tiếp xúc với khoa học máy tính và CNTT. Dự án hợp tác giữa Microsoft, Bộ giáo dục và Đào tạo Viêt Nam, Vietnet-ICT chắc chắn rằng sẽ hỗ trợ thay đổi nhận thức và nâng cao kỹ năng của thanh thiếu niên VN về sử dụng khoa học máy tính và CNTT phục vụ học tập và cuộc sống.