AVG - một trong những "đại gia" trên thị trường truyền hình số Việt Nam. Ảnh: Internet
Liên quan đến vấn đề số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất, từ tháng 12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2451/QĐ-TTg về “Phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020” với mục tiêu chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự (analog) sang công nghệ số (digital).
Và theo nội dung của Đề án, công nghệ truyền hình analog cũng sẽ được “khai tử” tại Việt Nam trước năm 2020.
Về vấn đề này, tại Hội nghị Các đơn vị truyền thông số phía Bắc diễn ra ngày 31/5 tại Hà Nội, đại diện Hội Truyền thông số Việt Nam nhận định, tại Việt Nam đang diễn ra cuộc chạy đua quyết liệt, hiện nhiều doanh nghiệp, “nhà đài” đầu tư mạnh mẽ cho số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất như Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Truyền hình An Viên (AVG), Đài Truyền hình TP.HCM (HTV), Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel…
Riêng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), với chức năng nhiệm vụ chính trị là phát sóng truyền hình quảng bá thực hiện vai trò tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước cũng đang tích cực đẩy mạnh số hóa truyền hình và dự kiến sẽ ngừng phát sóng công nghệ analog vào tháng 12/2016.
Đánh giá của các chuyên gia cũng cho thấy, cùng với VINASAT-1, thì sự kiện vệ tinh VINASAT-2 của Việt Nam vừa được phóng thành công vào quỹ đạo hôm 16/5 vừa qua đang “mở toang” cơ hội số hóa cho toàn bộ hệ thống truyền hình của Việt Nam.
Chính vì thế, theo đánh giá của đại diện Hội Truyền thông số Việt Nam, việc hoàn tất chuyển đổi số hóa toàn bộ ngành truyền hình cho phép tổ chức lại hệ thống đài truyền hình địa phương nhằm tối ưu hóa việc khai thác và sử dụng hiệu quả hạ tầng truyền dẫn phát sóng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng tiếp tục khuyến cáo việc hoàn tất chuyển đổi cũng không đơn giản, phải được tiến hành thận trọng do tại Việt Nam lâu nay tầng lớp người dân có mức sống thấp sử dụng truyền hình quảng bá miễn phí vẫn rất lớn; cần đặc biệt chú trọng đến công tác truyền thông cho cả xã hội, doanh nghiệp và người dân hiểu, nhận thức rõ lợi ích của việc chuyển đổi.
Cùng đó, việc thực hiện bám sát theo thứ tự ưu tiên và phân nhóm địa phương, vùng miền theo lộ trình cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Theo Nguyên Đức (ICTnews)