Làm mobile marketing như thế nào để hiệu quả?

Thực trạng ngành tại Việt Nam

Vấn đề lớn nhất mà ai cũng có thể nhìn thấy là có một khoảng trống quá lớn giữa việc người tiêu dùng chi phí thời gian cho sử dụng điện thoại càng ngày càng tăng (4,5h/ngày) và chi phí đầu tư và tiếp thị trên điện thoại vẫn còn rất hạn chế. Việt Nam có 120 triệu thuê bao, có 30% trong số đó là sử dụng smartphone, có tới hơn 15 triệu người truy cập internet từ điện thoại di dộng nhưng chi phí quảng cáo dành cho loại hình này vẫn chiếm chưa tới 1%/tổng ngân sách quảng cáo.

Vấn đề thứ 2 là việc xây dựng các ứng dụng cho điện thoại di động ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Rất ít các doanh nghiệp và thương hiệu có mobile site. Việc đầu tư giao diện cho mobile vẫn chưa được thực sự chú trọng và hướng tới người tiêu dùng. Khi mà doanh nghiệp không sẵn sàng đầu tư cho mobile thì người tiêu dùng sẽ không sẵn sàng với việc kết nối với doanh nghiệp từ mobile

Vấn đề thứ 3 là nhận thức về nội dung trên mobile. Nội dung trên mobile là nội dung phải có khả năng kích thích người tiêu dùng hành động, có lợi cho người tiêu dùng và phải rất vui nhộn. Đây là truyền thông 2 chiều, là tương tác dựa trên đối thoại trực tiếp. Các nhà quảng cáo vẫn còn rất lúng túng khi quyết định nội dung cho các chiến dịch mobile. Ông Ashutosh Srivastava, đến từ Mindshare đưa ra 3 yếu tố liên quan đến việc phát triển nội dung: Vị trí, Bối cảnh, Thời gian (Thời điểm phù hợp, thời gian cụ thể, phù hợp với mong muốn của người tiêu dùng). Bà Mina Menon, Giám đốc Kỹ thuật số của Wunderman Vietnam cũng cho rằng nội dung trên mobile là cuộc đối thoại, và đối thoại này hấp dẫn đến mức không ai muốn dừng.

Không nên làm mobile marketing đơn độc

Chúng ta biết rằng mobile là phương tiện kết nối quan trọng nhất với tất cả các kênh truyền thông khác. Nhưng để mobile phát huy được đúng vai trò tương tác thì mobile cần phải có ngân sách riêng, độc lập chứ không phải là ngân sách bổ xung trên ngân sách truyền thông nào đó. Tất cả các nền tảng công nghệ tương tác với người tiêu dùng đã có sẵn: QR code, AR, NFC, LBS…Vấn đề chỉ còn là ý tưởng để xây dựng kịch bản: Tương tác với người tiêu dùng như thế nào? Ở đây sẽ có những câu hỏi cần có câu trả lời đúng: Xác định đúng vấn đề cần giải quyết, Đề ra ngưỡng phải đạt được, Hành trình nào mà người tiêu dùng sẽ trải qua, yếu tố đối thủ cạnh tranh… Vì vậy sự kết nối giữa các công ty tư vấn marketing, sáng tạo và công nghệ là hết sức quan trọng để đảm báo cho một chiến dịch trên mobile thành công.

Lợi thế của mobile là kinh tế Việt Nam trong vòng 3 năm tới sẽ còn trong giai đoạn khó khăn. Việc xem xét lại ngân sách và coi mobile như là phương tiện truyền thông có khả năng lây lan cao nhất, báo cáo hiệu quả rõ ràng nhất cũng sẽ là lợi thế trong tương lai cho kênh truyền thông này. Vì vậy khẩu hiệu của các doanh nghiệp trong năm 2014 không còn là tại sao nên làm mobile mà là làm mobile như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất: kiểm soát được khoảng cách từ ấn tượng đến hành động.

LK

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới