Làm thế nào để hạn chế cháy nổ khi sử dụng sạc dự phòng?

Mới đây, một chiếc máy bay của hãng hàng không Air Asia đã phải xin hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Tân Sơn Nhất vì xảy ra sự cố. Cụ thể, một nam hành khách mang quốc tịch Trung Quốc đã bị phỏng đùi và tay trái khi sạc dự phòng bỗng nhiên phát nổ. 

Trước đó không lâu, cũng đã có một số vụ cháy nổ liên quan đến sạc dự phòng, đơn cử như vụ cháy căn hộ tại chung cư Parc Spring (quận 2) vào năm ngoái. Theo điều tra ban đầu, người thuê căn hộ đã cắm sạc dự phòng suốt nhiều ngày khiến thiết bị quá tải và phát nổ, gây cháy sang tấm nệm và các vật dụng xung quanh.

sac-du-phong-phat-no

Một vụ nổ sạc dự phòng tại Đà Nẵng hồi năm 2018. Ảnh: NVCC

Làm thế nào để hạn chế sạc dự phòng phát nổ?

Chỉ cần dạo sơ một vòng xung quanh các cổng trường đại học, bạn sẽ thấy có rất nhiều “gian hàng di động” bán đồ công nghệ giá rẻ, tất nhiên đây hoàn toàn đều là hàng nhái, hàng dỏm. Cụ thể, một cục sạc dự phòng 10.000-20.000 mAh có giá chỉ khoảng trên dưới 100.000 đồng, lại còn được tặng kèm tai nghe và cáp sạc đa năng.

Tương tự, không khó để tìm thấy các loại sạc dự phòng không có thương hiệu (no brand) trên các trang thương mại điện tử.

sac-du-phong-dom

Hạn chế mua bán các loại sạc dự phòng giá rẻ đáng ngờ (dung lượng cao), không có thương hiệu. Ảnh: TIỂU MINH

Đa phần các loại sạc dự phòng bị làm giả đều thuộc các thương hiệu nổi tiếng như Samsung, Romos, Xiaomi, Anker... Sạc dự phòng giả thường sử dụng các cell pin kém chất lượng và không rõ nguồn gốc, các mạch bảo vệ bị loại bỏ để tiết kiệm chi phí, thậm chí còn nhét cát vào cho đủ trọng lượng.

sac-du-phong-chua-cat

Sạc dự phòng dỏm nhái thương hiệu Xiaomi. Ảnh: TIỂU MINH

Do đó, để đảm bảo an toàn cho bản thân, người dùng nên chọn mua sạc dự phòng của những thương hiệu nổi tiếng như Xiaomi, Anker, Energizer… Những sản phẩm này thường có mức giá đắt hơn do sử dụng lõi pin Li-Po, tuy nhiên một số vẫn sử dụng lõi Li-ion để tiết kiệm chi phí.

- Sử dụng đúng cách: Hầu như đa số sạc dự phòng đều có đèn LED báo hiệu mức pin và tự ngắt điện để tránh quá nhiệt. Tuy nhiên, để an toàn hơn, người dùng nên rút sạc khi pin đã đầy, tránh tình trạng cắm sạc liên tục bởi có thể xảy ra sự cố cháy nổ.

- Hạn chế để sạc ở những nơi có nhiệt độ cao: Nhiều người thường có thói quen bỏ sạc dự phòng vào cốp xe và cắm sạc trực tiếp cho điện thoại, việc này khá nguy hiểm bởi thiết bị sẽ dễ bị quá nhiệt, dẫn đến nguy cơ cháy nổ.

- Không nên vừa sạc vừa xả: Để đảm bảo tuổi thọ cho sạc dự phòng, bạn không nên vừa cắm sạc cho cục sạc và vừa sạc cho smartphone, điều này sẽ làm nhiệt độ tăng cao và khiến mọi thứ quá tải.

Nhìn chung, nếu không dư dả về tài chính, bạn vẫn có thể mua tạm những món đồ công nghệ giá rẻ để xài đỡ, đơn cử như tai nghe, con chuột, miếng lót bàn phím, USB… nhưng tuyệt đối không nên mua sạc dự phòng và củ sạc dỏm bởi nó có thể ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn và tính mạng của bạn, đơn cử như một số trường hợp kể trên.

Đọc thêm