Danh sách 6 ứng dụng Trung Quốc thu thập dữ liệu

Các ứng dụng được kiểm tra bởi Punebasing Arrka Consulting bao gồm Helo, Shareit, TikTok, UC Browser, Vigo Video, Beauty Plus ClubFactory Everything, News-Dog, UC News và VMate. Ít nhất 6 trong số 9 ứng dụng đều yêu cầu người dùng cấp quyền truy cập vào camera và micro trên điện thoại dù chúng không thật sự cần thiết. 

Theo trang Economic Times (ET), nhiều ứng dụng còn truy cập vào danh bạ, hình ảnh, micro, cảm biến, vị trí và tin nhắn văn bản. Chỉ riêng TikTok và UC Browser (thuộc sở hữu của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba) đã có hơn 430 triệu người dùng tại Ấn Độ. 

Nghiên cứu cho thấy, các ứng dụng chuyển dữ liệu cho khoảng 7 máy chủ bên ngoài, với 69% dữ liệu được chuyển sang Mỹ. Cụ thể, TikTok gửi dữ liệu cho China Telecom, Vigo Video gửi cho Tencent, BeautyPlus gửi cho Meitu, QQ và UC Browser gửi về cho công ty mẹ là Alibaba. Hầu hết trong số này đều là các nhà quảng cáo và tổ chức phân tích.

ET đã gửi các thông tin này đến các công ty liên quan, tuy nhiên Vmate không đưa ra phản hồi và ByteDance (chủ sở hữu TikTok) từ chối bình luận.

Micheal Hu, người phát ngôn của UC Browser cho biết, việc ứng dụng yêu cầu quyền truy cập chỉ nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng. Hơn nữa, người dùng có thể từ chối hoặc chấp nhận yêu cầu. 

Hồi tháng 12-2017, Bộ quốc phòng Ấn Độ đã xác định được hơn 40 ứng dụng có khả năng thu thập dữ liệu cá nhân, đồng thời yêu cầu nhân viên xóa chúng khỏi điện thoại. Hầu hết các ứng dụng này đang được sử dụng nhiều tại các thị trấn nhỏ ở Ấn Độ. Bạn đọc quan tâm có thể xem thêm bài viết Danh sách 42 ứng dụng nên gỡ bỏ khỏi smartphone tại địa chỉ http://bit.ly/42-apps.

Nghiên cứu cho thấy hầu hết các ứng dụng đều yêu cầu quyền truy cập vị trí của người sử dụng thiết bị, điều này khá nguy hiểm bởi các nhà phát triển có thể tìm thấy vị trí các căn cứ quân sự quan trọng.

Shivangi Nadkarni, đồng sáng lập Arrka cho biết các ứng dụng như Uber (đặt xe), Swiggy (giao thức ăn),… cần truy cập vị trí là điều cần thiết. Tuy nhiên, UC Browser cần biết chính xác vị trí khi người dùng tìm kiếm để làm gì? Bên cạnh đó, anh cũng cho rằng Ấn Độ đang thiếu luật riêng tư, đó cũng là lí do tại sao các công ty có thể thoải mái thu thập dữ liệu của người dùng.

Phần lớn các mẫu điện thoại thông minh được bán ở Ấn Độ đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, đơn cử như Xiaomi và Vivo.

Xiaomi cho biết họ đang chuyển dữ liệu người dùng địa phương sang máy chủ của Amazon Web Services và Microsoft Azure đặt tại Ấn Độ. Đây là nhà sản xuất đầu tiên có động thái thay đổi trong bối cảnh căng thẳng tăng cao. 

Tương tự, OnePlus cho biết họ sẽ di dời các máy chủ lưu trữ dữ liệu của người dùng sang Ấn Độ. Vivo nói nói rằng họ tuân thủ mọi quy định do chính phủ đặt ra, đồng thời khẳng định công ty không sử dụng dữ liệu của người dùng và không có ý định kiếm tiền từ nó. 

Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết.

  

Đọc thêm