Trong sự kiện Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 do Chính phủ và Ban kinh tế Trung ương chủ trì, sự xuất hiện của Sophia - robot đầu tiên được cấp quyền công dân trên thế giới là điều khá thú vị.
Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 nhằm phục vụ cho đề án, phương hướng hành động và chiến lược quốc gia về công nghiệp 4.0 của Việt Nam.
Ngày 12-7-2018, Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 do Chính phủ và Ban kinh tế Trung ương chủ trì đã diễn ra tại Khách sạn JW Marriott. Theo lịch trình của sự kiện, trong buổi sáng ngày thứ hai diễn ra chương trình, một vị khách mời vô cùng đặc biệt sẽ gặp gỡ khách mời tham dự cùng các đơn vị truyền thông, đó chính là robot Sophia.
Robot Sophia cũng chính là Quán quân sáng tạo của Tổ chức phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) đã được Ả Rập Xê-út cấp quyền công dân như một con người bình thường. Robot này rất hiện đại khi được trang bị công nghệ AI và khả năng phân tích dữ liệu lớn. Bên cạnh đó, Sophia cũng có khả năng đưa ra những câu trả lời thông minh và bất ngờ đối với các câu hỏi được khách mời nêu ra. Dựa trên những gì mà cô nhìn nhận về thế giới, những câu trả lời của Sophia sẽ vô cùng thành thật và thẳng thắn.
Phát biểu tại sự kiện, sau khi giới thiệu về mình, Sophia cho hay: “Ngày hôm nay tôi đến đây muốn thế giới biết sự phát triển bền vững, nếu chúng ta hợp tác với nhau thì có thể đạt được mục tiêu này, nhất là với các robot như chúng tôi.” Tiếp theo, robot này đã trả lời lưu loát ba câu hỏi mà các khán giả trong khán phòng đặt ra.
Sophia nhận định, Việt Nam cần phải có những sáng tạo công nghệ, tận dụng các cơ hội như IoT, BigData… để có những bước nhảy vọt về kinh tế. Việt Nam cũng cần có chính sách, Chính phủ cần làm việc với các khu vực để đảm bảo công nghệ như thế này có thể mang lại lợi ích cho tất cả người Việt Nam. Trí tuệ nhân tạo phát triển sẽ giúp đạt được các mục tiêu.
“Việt Nam cần phải đi đầu trong ứng dụng sáng tạo và công nghệ mang lại cho các bạn nhiều việc làm hơn. Chẳng hạn smartphone mang lại nhiều công ăn việc làm cho lái xe truyền thống khi làm cho Uber, Grab. Công nghệ có thể giúp thực hiện những công việc mà chúng ta chưa bao giờ đạt được, chẳng hạn như phẫu thuật kỹ thuật cao,... để mang lại cho chúng ta cuộc sống tốt đẹp nhất.”
Nói về thách thức và cơ hội dành cho thế hệ trẻ trong Cách mạng 4.0, Sophia cho rằng, có nhiều thách thức. Để kiếm được công việc trong thời đại 4.0, thế hệ trẻ cần được trang bị tốt hơn những kỹ năng của thế kỷ 21.
“Tôi nghe thấy rằng ở Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, đây là xu hướng rất tốt để đón đầu các công nghệ tương lai. Chúng ta không thể nào đạt được mục tiêu nếu để những người trẻ tuổi tụt lại phía sau,” Sophia nói.
Bên cạnh đó, Sophia cho rằng, cần có sáng tạo công nghệ mới không ngừng bởi nếu dừng lại sẽ bị bỏ lại phía sau. Công nghệ giúp cho các bạn trẻ có nhiều ý tưởng tốt hơn để phát triển tốt hơn. Chính phủ cần có ưu tiên rõ ràng trong đào tạo, giáo dục, các công ty tư nhân để giải quyết các nút thắt phát triển của Việt Nam.
Robot Sophia cho thấy sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trong những năm qua.
Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 là sự kiện quốc tế có quy mô lớn, gồm một diễn đàn cấp cao do Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban kinh tế Trung ương đồng chủ trì và năm hội thảo chuyên đề liên quan đến: Nông nghiệp thông minh; những xu hướng lớn của các mạng công nghiệp với những tác động, khuyến nghị với Việt Nam; đô thị thông minh; phát triển sản xuất thông minh; bước tiến mới trong ngành tài chính-ngân hàng.
Sự kiện này nhằm phục vụ cho đề án, phương hướng hành động và chiến lược quốc gia về công nghiệp 4.0 của Việt Nam. Nếu như năm ngoái, câu chuyện 4.0 chỉ là sự gợi mở, khai phá thì diễn đàn năm nay với mục tiêu phải cụ thể hóa được chính sách cho từng ngành, nhóm ngành. Sự xuất hiện của robot Sophia trong lễ khai mạc sẽ giúp người tham gia hiểu rõ hơn về mức độ phát triển đáng kinh ngạc của công nghệ trong suốt những năm qua.