Thị phần ví điện tử: Nước cờ trong tay ai?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(PLO)- Momo và ZaloPay đang là hai ứng dụng ví điện tử chiếm thị phần sử dụng nhiều nhất tại thị trường Việt Nam trong quý I-2023.

Decision Lab - đối tác độc quyền của YouGov tại Việt Nam vừa công bố báo cáo “Người tiêu dùng số - The Connected Consumer" quý I/2023. Báo cáo được phối hợp cùng Hiệp hội tiếp thị di động Việt Nam (Mobile Marketing Association Vietnam - MMA) để đưa ra các thông số tập trung vào thói quen trực tuyến của người tiêu dùng, bao gồm việc sử dụng mạng xã hội, giải trí như âm nhạc, phim ảnh, và video trực tuyến và mua sắm trực tuyến.

Theo báo cáo, tính riêng mảng ví điện tử, trong quý I-2023 Momo đang là ứng dụng chiếm tới 68% thị phần ví điện tử, tiếp đó là Zalo Pay với 53% và các phần trăm còn lại lần lượt thuộc về Viettelpay (27%), Shopepay (25%), VNPay (16%) và Moca (7%).

Thị phần ví điện tử tại Việt Nam tỏng quý I-2023

Thị phần ví điện tử tại Việt Nam tỏng quý I-2023

Với thị phần dẫn xa đối thủ, đại diện Momo nhấn mạnh đơn vị này sẽ tiếp tục cải tiến giao diện thiết kế và mở rộng phát triển thêm các tính năng tiện ích trên nền tảng siêu ứng dụng. Trên thực tế, ngay sau khi Apple chính thức mở cửa hàng Apple Store trực tuyến, Momo đã nhanh chóng trở thành phương thức thanh toán tích hợp trên nền tảng này. Trước đó, vào đầu tháng 4-2023, MoMo cũng đã trở thành kênh thanh toán cho dịch vụ YouTube Premium tại Việt Nam.

"Sắp tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng hợp với những đối tác quốc tế, ra mắt các tính năng mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của hàng chục triệu người dùng"- đại diện Momo chia sẻ.

Tương tự ZaloPay- đối thủ nặng ký của Momo cũng không ngồi yên khi đã bắt tay với Grab Việt Nam- đơn vị đã sở hữu ví điện tử Moca riêng của mình, để triển khai phương thức thanh toán mới bằng ZaloPay trên ứng dụng Grab.

Đơn vị này cũng thành công trong việc tích hợp ví ZaloPay vào ứng dụng chat Zalo đang có 100 triệu người dùng, để nhanh chóng mở rộng hơn thị phần trong tương lai.

Với cuộc đua thị phần này, các doanh nghiệp dường như đã và đang tiến gần hơn trong việc thay đổi nhận thức thanh toán của người tiêu dùng Việt.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong ba tháng đầu năm 2023, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng cao về số lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Người tiêu dùng Việt ngày càng quen với việc thanh toán không tiền mặt. Ảnh: Thu Hà

Người tiêu dùng Việt ngày càng quen với việc thanh toán không tiền mặt. Ảnh: Thu Hà

Cụ thể, giao dịch TTKDTM tăng 53,51% về số lượng, trong đó qua kênh Internet tăng 88,11% về số lượng và 7,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 65,55% và 13,31%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 160,71% và 43,84%; qua POS tăng tương ứng 37,57% và 32,09%.

Việc thay đổi hành vi người dùng từ tiền mặt sang thanh toán ví điện tử hoặc qua kênh thanh toán ngân hàng trực tuyến đã khiến lượng tiền mặt cần rút từ cây ATM giảm 2,37% về số lượng và 4,02% về giá trị. Đây cũng là những con số tích cực trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, có khoảng 100 doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) đang hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, tiếp đến là tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng… Trong đó, có 40 ví điện tử được cấp phép hoạt động ở thị trường Việt Nam.

Đọc thêm