Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia, Agus Gumiwang Kartasasmita, cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Tư rằng đề xuất của Apple, bao gồm kế hoạch xây dựng nhà máy AirTag tại quốc gia này, không đáp ứng được các yêu cầu theo quy định tại địa phương.
Apple đã bị cấm bán mẫu iPhone mới nhất của mình tại quốc gia có hơn 280 triệu dân này kể từ tháng 10-2024. Hiện tại, Apple không đáp ứng được yêu cầu đối với các công ty công nghệ là phải tự sản xuất ít nhất 40% vật liệu trong điện thoại thông minh và máy tính bảng của mình tại địa phương.
Các mẫu iPhone cũ đáng mua dịp cuối năm
Bộ trưởng Đầu tư Indonesia, Rosan Roeslani, cho biết Apple đã "cam kết" xây dựng nhà máy AirTag trên đảo Batam và bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2026.
Mặc dù vậy, ông Kartasasmita nói rằng nhà máy này sẽ không đủ để đảo ngược lệnh cấm, vì AirTags chỉ được coi là một phụ kiện, trang Bloomberg đưa tin.
Trước đó, Reuters đưa tin rằng Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia đã gặp đại diện của Apple để thảo luận về kế hoạch của gã khổng lồ công nghệ này, nhằm tuân thủ kỳ vọng đầu tư và dỡ bỏ lệnh cấm bán iPhone 16. Tuy nhiên, có vẻ như các cuộc đàm phán giữa Indonesia và công ty có giá trị nhất thế giới đã không đạt được giải pháp.
Những khó khăn của Apple tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á ngày càng trầm trọng hơn, khi các đối thủ khác như Samsung cũng nỗ lực đáp ứng các yêu cầu quản lý của Indonesia.
"Không có thời hạn chót để tuân thủ", Kartasasmita cho biết. "Nếu Apple muốn bán iPhone 16, và đặc biệt là nếu họ có kế hoạch ra mắt iPhone 17, thì quyết định hoàn toàn phụ thuộc vào họ".