Theo số liệu từ Bộ GD&ĐT, điểm trung bình các môn cao hơn năm ngoái, số điểm liệt giảm, số lượng bài thi trên 8 điểm tăng, trừ một số môn.
Hóa học là môn có điểm trung bình tăng nhiều nhất, từ 5,35 lên 6,71, tăng 1,36 điểm. So với năm ngoái, điểm trung bình của môn toán, văn, vật lý đều tăng hơn 1 điểm. Các môn còn lại như địa lý, giáo dục công dân, lịch sử, sinh học đều tăng lên từ 0,78 đến 0,92 điểm so với năm 2019. Đặc biệt, điểm trung bình môn tiếng Anh có tăng nhưng tăng ít nhất, chỉ tăng 0,22 điểm.
Năm nay, số lượng điểm 10 cũng nhiều hơn với 5.812 bài thi điểm 10, trong khi năm 2019 con số này là 1.270.
Điều đáng nói, điểm trung bình môn lịch sử vượt lên 5 sau nhiều năm dưới mức trung bình.
Mặt khác, số điểm liệt năm nay giảm mạnh hơn so với năm ngoái, trừ môn địa lý và môn giáo dục công dân.
63 tỉnh, thành có 1.262 bài thi bị điểm liệt (1 điểm trở xuống). Trong đó, tiếng Anh là môn thi có số bài thi bị điểm liệt nhiều nhất với 543 bài, chiếm 0,07%. Tiếp đến, môn toán có 195 bài thi bị điểm liệt (0,02%), địa lý là 133 bài (0,01%).
Số bài thi bị điểm 1 trở xuống ở các môn khác là ngữ văn (119 bài), lịch sử (111 bài), sinh học (43 bài), giáo dục công dân (41 bài), vật lý (39 bài) và hóa học (38 bài).
Trong hai điểm 10 môn ngữ văn trên cả nước, tỉnh Nam Định có một điểm 10 là em Đặng Thị Hồng Trang, Trường THPT Mỹ Tho, huyện Ý Yên, Nam Định. Điểm 10 còn lại của An Giang.
Theo dữ liệu điểm thi do Bộ GD&ĐT công bố, tính từ ba năm trở lại đây, chỉ năm 2017 cả nước có duy nhất thí sinh nam của Quảng Nam đạt điểm 10 môn này.
Năm 2018, ngữ văn là môn duy nhất không có điểm 10 trong tất cả môn thi của kỳ thi THPT quốc gia. Năm 2019, môn ngữ văn tiếp tục là môn duy nhất không có điểm 10, cũng không có thí sinh nào đạt 9,75 điểm.