Theo đơn khởi kiện của ông N. nộp tại TAND huyện Cái Bè, vào tháng 7-2013 âm lịch, ông có cho vợ chồng ông T. vay 100 triệu đồng, lãi suất thỏa thuận 2%/tháng, thời hạn vay không xác định. Sau đó, vợ chồng ông T. trả lãi cho ông đến tháng 2-2016 âm lịch thì ngưng.
Ông N. nói vợ chồng ông T. trả nợ không được nên khởi kiện yêu cầu TAND huyện Cái Bè buộc vợ chồng ông T. phải trả một lần 100 triệu đồng cùng lãi suất theo quy định tính từ tháng 3-2016 âm lịch cho đến ngày tòa xét xử.
Ra tòa, vợ chồng ông T. đồng ý trả dần cho ông N. 100 triệu đồng trong ba năm, đồng thời xin không trả lãi. Riêng phần tiền lãi đã trả cho ông N. trước đó, ông bà chấp nhận, không yêu cầu tòa điều chỉnh lại lãi suất.
Tháng 3-2018, TAND huyện Cái Bè xử sơ thẩm đã buộc vợ chồng ông T. phải trả một lần cho ông N. 100 triệu đồng nợ gốc và hơn 17 triệu đồng tiền lãi theo quy định tính từ tháng 3-2016 âm lịch cho đến ngày tòa xét xử.
Sau đó, vợ chồng ông T. kháng cáo yêu cầu TAND tỉnh Tiền Giang xử phúc thẩm theo hướng điều chỉnh lãi suất vay từ đầu theo quy định là 0,75%/tháng chứ không phải 2% như hai bên thỏa thuận, đồng thời cấn trừ số tiền lãi dư mà ông N. đã nhận vào nợ gốc.
Tại phiên xử phúc thẩm của TAND tỉnh Tiền Giang mới đây, đại diện theo ủy quyền của ông N. thừa nhận vợ chồng ông T. đã đóng lãi từ 31 tháng với số tiền 62 triệu đồng nhưng cho rằng đây là tiền lãi hai bên thỏa thuận nên không đồng ý cấn trừ vào nợ gốc.
Theo HĐXX, mức lãi suất 2% mà hai bên thỏa thuận cao hơn so với quy định của pháp luật (9%/năm, tức 0,75%/tháng) nên cần điều chỉnh lại theo mức này. Sau khi tính toán, HĐXX xác định số lãi mà vợ chồng ông T. phải trả cho ông N. (tính từ ngày vay cho đến ngày xử sơ thẩm) chỉ là hơn 41 triệu đồng. Phía ông N. đã nhận lãi vượt gần 21 triệu đồng nên cần cấn trừ khoản vượt này vào nợ gốc.
Từ đó HĐXX tuyên sửa bản án sơ thẩm, chỉ buộc vợ chồng ông T. phải trả cho ông N. hơn 79 triệu đồng.
Sau phiên tòa phúc thẩm, phía ông N. cho biết sẽ khiếu nại giám đốc thẩm vì cho rằng tòa phúc thẩm đã tính lãi suất sai.
Cụ thể, Điều 476 BLDS 2005 quy định các bên trong hợp đồng cho vay có quyền thỏa thuận về lãi suất nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố… Ở đây lãi suất cơ bản Ngân hàng Nhà nước quy định là 9%/năm (tức 0,75%/tháng), như vậy mức lãi suất do các bên thỏa thuận không được vượt quá 13,5%/năm (tức 1,125%/tháng). Nếu tòa phúc thẩm cho rằng hai bên thỏa thuận tính lãi 2%/tháng là cao và cần điều chỉnh thì tòa phải điều chỉnh xuống mức 1,125%/tháng chứ không thể là 0,75%/tháng được.
Cạnh đó, phía nguyên đơn còn cho rằng tòa phúc thẩm cần phải tính lãi suất từ ngày bị đơn vay cho đến ngày xét xử phúc thẩm chứ không chỉ đến ngày xét xử sơ thẩm vì như thế là chưa đảm bảo quyền lợi chính đáng của phía nguyên đơn…