Dấu ấn của HLV Hoàng Văn Phúc và các đội tuyển Việt Nam sau hơn một năm qua là rất khiêm tốn nếu không muốn nói là không có. Từ cái cách chuẩn bị nhân sự đến lối chơi và từ vòng loại Asian Cup đến SEA Games đều chỉ mang một thân phận kẻ lót đường dễ thương.
HLV Hoàng Văn Phúc có hợp đồng với VFF đến hết năm 2014 nhưng đã từng một lần, ông vì lòng tự trọng lẫn sức ép từ nhiều phía đã đưa đơn xin từ chức sau thất bại thê thảm của U-23 Việt Nam tại SEA Games 27. Đây cũng là lần thứ hai sau 20 năm, đội tuyển U-23 quốc gia bị loại ngay từ vòng bảng. Với đội tuyển Việt Nam thì đây là lần đầu tiên chuốc lấy thất bại thảm hại nhất (thua 5/6 trận) sau năm kỳ vòng loại Asian Cup và một vòng chung kết năm 2007.
HLV Hoàng Văn Phúc không thể chỉ ra con đường mới cho đội tuyển khi VFF vẫn giữ một lối tư duy cũ. Ảnh: XUÂN HUY
Thực tế phần lỗi không hẳn thuộc về ông Phúc như biết bao nhiêu đời HLV trưởng đội tuyển đã trải qua đều có chung một đánh giá bóng đá Việt Nam đang xây nhà từ nóc. Điều này có nghĩa các ông thầy không có nhiều lựa chọn về mặt con người từ cái nền móng là một giải vô địch quốc gia và một phần giải hạng nhất nghèo nàn. Họ gần như phải tự bơi với niềm tin le lói của sự may mắn trong bóng đá chứ không phải mang tâm thế của một nhà cầm quân sẵn sàng ra trận trong một chiến dịch lớn và dài hơi. Nói một cách dễ nghe nhất là HLV trưởng đội tuyển không có bột sao gột được hồ.
Thất bại của HLV Hoàng Văn Phúc còn là sự thiếu nghiêm túc trong việc hoạch định chiến lược của VFF dẫn đến sự chồng chéo giữa các đội tuyển cho từng cái đích khác nhau. Sự lú lẫn từ cái cách xác định mục tiêu khiến cho hai đội tuyển mất cả chì lẫn chài và quan trọng hơn là đánh mất cả niềm tin của giới hâm mộ. Ông Phúc từ hạng nhất bước lên tuyển chẳng khác gì một con chốt trên bàn cờ thế mà người ta bày ra trong bối cảnh thầy nội không ai dám nhận, còn thầy ngoại là một nước cờ mạo hiểm nhiều rủi hơn may.
Cuối cùng phải tính đến khả năng của ông thầy Hoàng Văn Phúc sau khoảng 20 trận giao hữu và thi đấu chính thức gây nhiều hụt hẫng với bằng chứng rõ nét nhất là sự hoang vắng trên các khán đài. Ông Phúc sau trận cuối Asian Cup đã bóng gió đến việc sẽ ở lại dẫn dắt đội tuyển nếu được VFF tin tưởng và dư luận ủng hộ nhưng sự thật cả hai khả năng này đều rất khó xảy ra.
Một khi đội tuyển đã đánh mất niềm tin từ con người đến lối chơi thì người đứng mũi phải chịu sào. Nó một lần đến từ sự yếm thế của vị thuyền trưởng ở BTV Cup từng bị treo ghế cứ như người ta cho và lấy một món đồ. Hơn nữa, sự vị nể của đồng nghiệp ông Phúc trong làng bóng là rất hạn chế và thiên về tình cảm hơn là phán xét của lý trí bảo rằng ông phù hợp với chiếc ghế nóng làm thầy đội tuyển.
Bây giờ thì việc HLV Hoàng Văn Phúc một lần nữa tự nguyện xin nghỉ hay VFF lên kế hoạch tìm người thay thế không còn quan trọng nữa. Cái chính là giới hâm mộ đang quá ngao ngán về một đội tuyển không ra đội tuyển khi các nhà làm bóng đá Việt Nam vẫn giữ một tư duy nhiệm kỳ cùng một cái nền mục ruỗng mà chuyên gia bóng đá Nhật Bản chỉ ra rằng phải thay đổi toàn bộ.
CÔNG TUẤN
Thầy mới chờ đại hội Dự kiến ngày 25-3 tới, Đại hội VFF diễn ra sau gần một năm trì hoãn. Các đại biểu sẽ cho ý kiến về vấn đề mời thầy nội hay ngoại dẫn dắt đội tuyển Việt Nam và cả việc nên hay không nên giữ lại HLV Hoàng Văn Phúc. Cũng cần nhắc đến quan điểm của quyền Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng trước đây yêu thích thầy ngoại hơn vì nhiều lẽ và hiện tại tiếng nói lẫn túi tiền kêu gọi tài trợ của ông trong VFF rất trọng lượng. Ông Dũng từng nói VFF không thiếu tiền thuê thầy giỏi cho đội tuyển Việt Nam rồi ví von VFF rất muốn cưới hoa hậu nhưng cô ấy chọn lấy người khác thì đành chịu. Thật ra cô hoa hậu này rất… khôn vì biết chắc chồng tương lai chẳng cho cô cái gì tốt hơn ngoài… tiền. |