Lãi suất tiền gửi thấp, sao lãi cho vay vẫn 'cao bền vững'?

(PLO)- Nếu như người gửi tiền tiết kiệm có thể chia sẻ những đồng tiền nhỏ bé của mình vì mục tiêu chung phục vụ tăng trưởng kinh tế, thì ngân hàng thương mại cũng nên bớt đi lợi nhuận của mình để san sẻ lợi ích cho doanh nghiệp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Suốt hơn 1 năm qua, người gửi tiền tiết kiệm phải chịu lãi suất rất thấp nếu so với lạm phát. Việc chấp nhận lãi suất tiền gửi thấp nhằm tạo điều kiện cho ngân hàng có lãi suất cho vay thấp để tăng trưởng tín dụng, góp phần giúp doanh nghiệplãi suất hợp lý để kinh doanh.

Trên nền tảng này, doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo ra thêm nhiều việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thế nhưng hiện nay, doanh nghiệp vẫn phải kêu lãi suất cho vay còn cao khiến việc kinh doanh ngày càng khó trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, đầu ra xuất khẩu chưa khơi thông.

Giữa bối cảnh kinh tế đầy biến động, lãi suất cho vay cao đang là gánh nặng đè nặng lên vai doanh nghiệp, kìm hãm đà phát triển kinh tế chung.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khoá XV, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ có đánh giá, phân tích về nguyên nhân, mức độ tác động của tăng trưởng tín dụng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và làm rõ việc các ngân hàng thương mại lãi lớn năm 2023 trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn.

Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) mới đây nhận xét rằng, trong khi doanh nghiệp khó khăn chồng chất, ngân hàng vẫn báo lãi là một nghịch lý.

Theo báo cáo của VEPR, có một nghịch lý là trong khi doanh nghiệp và người dân khó khăn, cần san sẻ, thì bức tranh ngân hàng lại rất khác biệt khi vẫn duy trì mức sinh lời cao từ hoạt động cho vay. Khi đại dịch Covid-19 ập đến vào đầu 2020, gần như ngay lập tức chính sách tiền tệ được nới lỏng bằng định hướng hạ lãi suất nhằm hỗ trợ kinh tế. Tuy nhiên các ngân hàng lại giảm lãi suất huy động nhanh hơn so với lãi suất cho vay khiến cho biên lãi thuần (NIM – thước đo mức sinh lời của hoạt động cho vay) tăng.

Thậm chí 2 năm sau Covid-19, NIM của các ngân hàng vẫn còn cao hơn so với khoảng thời gian trước dịch. Một lý do mà các ngân hàng giải thích cho việc này là các hợp đồng cho vay thường có kỳ hạn dài hơn hợp đồng tiền gửi tiết kiệm nên biến động lãi suất sẽ có ảnh hưởng chậm hơn tới lãi suất cho vay. Xét về bản chất kỳ hạn thì điều này đúng. Tuy nhiên đến giờ thì đã là 4 năm kể từ khi lãi suất được định hướng giảm, thì có lý do gì mà lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng với mức giảm lãi suất huy động.

Tất nhiên, ngân hàng có thể nói là đơn vị kinh doanh nên lợi nhuận phải là mục tiêu chính cho hoạt động, rồi áp lực nợ xấu, cấu trúc nguồn vốn nên cần giữ lãi suất cho vay cao.

Nhưng ngân hàng cũng quên mất rằng, trong năm 2023, với 4 lần hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, thì ngay lập tức các ngân hàng thương mại làm rất nhanh, áp dụng giảm lãi suất tiền gửi huy động ngay khi quyết định có hiệu lực.

Trong khi đó, lãi suất cho vay cứ neo rất cao, với câu lập luận muôn thuở rằng cần có độ trễ. Đến giờ độ trễ này vẫn cứ kéo dài gần nửa năm 2024.

Đến mức, mới đây Thủ tướng phải yêu cầu các ngân hàng tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay thêm nữa.

Nhiều chủ doanh nghiệp rất mong muốn ngân hàng hãy hạ lãi suất hơn nữa, nới lỏng các điều kiện vay vốn, cũng như có chính sách chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp.

Để tiếng kêu này không rơi vào hư không, ngân hàng thương mại chấp nhận giảm lợi nhuận để cùng hợp tác với doanh nghiệp.

Cú bắt tay này chắc chắn là không thiệt với ngân hàng. Vì khi ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận để chia sẻ với doanh nghiệp thông qua lãi suất cho vay hợp lý thì doanh nghiệp có nguồn lực để đầu tư, phát triển, qua đó tăng thu ngân sách, giảm rủi ro tín dụng, tăng nguồn thu lãi cho ngân hàng.

Một khi doanh nghiệp thành công và phát triển, mối quan hệ của ngân hàng và doanh nghiệp càng bền chặt và tất nhiên đem lại lợi ích lâu dài cũng như nâng cao uy tín ngân hàng.

Lợi ích này chỉ đến khi các ngân hàng thương mại chia sẻ lợi nhuận, cùng chung tay với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hướng đến mục tiêu chung về một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm