Mới đây, công an đã ra quyết định khởi tố cháu tôi vì đã gây thương tích cho người thanh niên kia đến 11%. Gia đình tôi không đồng ý với kết quả giám định trên và yêu cầu cơ quan công an giám định lại. Thế nhưng người thanh niên này không đồng ý đi giám định và yêu cầu công an khởi tố cháu tôi theo kết quả giám định này.
Cho tôi hỏi trường hợp người bị hại không đồng ý đi giám định lại thì phải làm sao?
Bạn đọc Lê Thanh Nam, TP.HCM
Luật sư Đinh Văn Lương, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 127 BLTTHS năm 2015 về việc áp giải, dẫn giải như sau: Dẫn giải có thể áp dụng đối với người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
Theo các quy định trên, người bị hại bắt buộc phải giám định tỉ lệ thương tích để xác định có hay không dấu hiệu của tội phạm. Nếu như người bị hại từ chối giám định khi đã có quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì họ có thể bị dẫn giải để thực hiện việc giám định đó.
Ngoài ra, tại Điều 211 BLTTHS quy định về giám định lại: Việc giám định lại được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác. Việc giám định lại phải do người giám định khác thực hiện.
Cơ quan trưng cầu giám định tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng quyết định việc trưng cầu giám định lại. Trường hợp người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại thì phải thông báo cho người đề nghị giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Như vậy, trong trường hợp trên, vì bị can nghi ngờ kết quả giám định thì có quyền đề nghị cơ quan điều tra giám định lại. Nếu cơ quan điều tra yêu cầu người bị hại giám định lại mà người bị hại không thực hiện thì cơ quan điều tra có quyền từ chối thụ lý do không đủ cơ sở thụ lý vụ án.