Làm giàu từ bóng đá

HLV trưởng người Nhật, trưởng giải người Nhật, đoàn lãnh đạo VFF đang thăm Nhật để hợp tác phát triển bóng đá như người Nhật… nói chung là đang tìm mọi cách để ảnh hưởng từ bóng đá Nhật và phát triển như bóng đá Nhật nhưng lại rất ít người chịu nhìn vào bản chất.

Ở Việt Nam, thực tế thì có rất nhiều CLB có thừa tiền để xây dựng một CLB đúng nghĩa chuyên nghiệp. Tuy nhiên, người ta không làm thế, không đầu tư lớp lang cho tuyến trẻ mà chỉ thích mua cầu thủ giá cao.

Ở Việt Nam nhiều CLB đổ tiền mua cầu thủ nhiều hơn xây học viện nhưng họ vẫn không thích đi bằng con đường bài bản đấy. Nguyên nhân được giải thích là vì đào tạo trẻ thì vất vả, tốn kém nhưng phết, phẩy ít hơn là thực hiện những bản hợp đồng mua cầu thủ, mua thành tích.

Làm giàu từ bóng đá ảnh 1

Trưởng giải Koji người Nhật (phải) và bầu đệ của đội Thanh Hóa. Ảnh: QUANG THẮNG

Thật bi kịch khi 4-5 mùa bóng gần đây, V-League nào cũng có một đến vài đội thiếu nợ tiền lương, tiền chuyển nhượng, tiền thưởng cho cầu thủ nhưng những người trực tiếp điều hành đội thì mua thêm đất, xây biệt thự, đổi xe sang… Có đội bóng giải tán vì không có tiền nuôi và trả lương cầu thủ nhưng lãnh đạo CLB thì lại phất lên…rất nhanh sau nhiều phi vụ mua cầu thủ hoặc “cắn” vào những khoản tiền thưởng, tiền giao tế phí…

Nhiều người làm bóng đá ở Việt Nam rõ ràng không thích chính sách phát triển CLB chuyên nghiệp đúng nghĩa bởi như thế sẽ bóp lại các cơ hội phết, phẩy.

Vì thế mà đừng nói là Việt Nam không biết Nhật làm bóng đá như thế nào nên phải mời thầy qua dạy mà quan trọng là có chịu tiếp thu để làm giống người Nhật hay không. Nói như dân bóng đá vẫn nói với nhau đó là “Tư túi trong lĩnh vực bóng đá thì “an toàn” hơn rất nhiều lần so với những lĩnh vực khác”. Còn nói như các cầu thủ thì xưa nay có ai ra tòa, đi tù vì tội “cắn” chuyển nhượng hay 1.001 khoản khác liên quan đến cầu thủ và đội bóng đâu.

Ông trưởng giải Nhật Koji mùa này siêng đến các CLB để “giảng đạo” nhưng có những thứ “đạo” mà ông không thể giảng và dạy được bởi nó liên quan đến miếng bánh lớn và đến quyền lợi nhóm tồn tại và ăn sâu ở nhiều đội bóng, nhiều CLB.

Để học bóng đá Nhật thật tốt cần học lối sống và ý thức lẫn trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội của người Nhật. Đấy không chỉ là công việc của riêng VFF mà là của cả nền bóng đá.

TẤN PHƯỚC

Đi và học

Một thành viên của VFF trong đợt sang Nhật học và tham quan nền bóng đá nước này đã thú nhận điều ông học được nhiều lại từ xã hội Nhật và người dân Nhật. Ông kể khi đi một chặng taxi dài thì người lái taxi đã chở ông đến một tuyến tàu điện rồi khuyên ông hãy vào đấy mua vé tàu đến nơi ông muốn vì vừa nhanh (không kẹt đường) lại vừa rẻ và tiện nghi. Sau khi nghe ông nói ông không rành cách đi thì anh tài xế taxi này không ngần ngại hướng dẫn chi tiết rồi mới nói: “Nếu bây giờ ông vẫn còn muốn đi taxi thì tôi sẽ chở ông”. Vị quan chức này sau đó về Việt Nam đã tâm sự rằng ông không ngạc nhiên vì tính chuyên nghiệp của bóng đá Nhật bởi đến người lái taxi mà còn ý thức và chuyên nghiệp như thế thì ngành nghề gì ở Nhật cũng thế và tất nhiên xã hội Nhật cũng sẽ ảnh hưởng đến bóng đá Nhật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm