Lạm phát toàn cầu có thể đã chạm đỉnh, sẽ bắt đầu giảm

(PLO)- Nhiều chỉ dấu quan trọng trên thị trường toàn cầu cho thấy lạm phát đã đạt đỉnh và bắt đầu đi xuống, khả năng giá cả tiêu dùng sẽ giảm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hãng tin Bloomberg mới đây cho rằng kinh tế toàn cầu đã xuất hiện một số dấu hiệu liên quan đến nguồn cung cho thấy tình trạng lạm phát đã đạt đỉnh và đang bắt đầu đảo chiều, đồng nghĩa với việc giá cả hàng hóa tiêu dùng có thể giảm xuống trong thời gian tới.

Một phụ nữ mua đồ tiêu dùng ở một cửa hàng bán lẻ tại TP San Jose thuộc bang California, Mỹ hồi tháng 4. Ảnh: REUTERS

Một phụ nữ mua đồ tiêu dùng ở một cửa hàng bán lẻ tại TP San Jose thuộc bang California, Mỹ

hồi tháng 4. Ảnh: REUTERS

Giá giảm ở nhiều mặt hàng quan trọng

Cụ thể, dấu hiệu thứ nhất nằm ở giá chip bán dẫn - thước đo chi phí một loạt sản phẩm điện tử thành phẩm như máy tính xách tay, máy rửa bát, bóng đèn LED và thiết bị y tế - hiện tại chỉ bằng một nửa so với thời điểm tháng 7-2018 và thấp hơn 14% so với giai đoạn giữa năm ngoái. Cước vận chuyển container - chiếm một phần không nhỏ trong cơ cấu giá thành các sản phẩm may mặc tại Chicago, vật dụng xa xỉ tại Singapore hoặc đồ nội thất tại châu Âu, cũng giảm 26% kể từ tháng 9 năm ngoái, thời điểm giá cước vận tải đạt đỉnh lịch sử.

Tiếp theo, giá phân bón tại Bắc Mỹ hiện đang thấp hơn 24% so với thời điểm tháng 3 năm nay. Đây là chỉ số thường được sử dụng để đo lường mức độ lạm phát lương thực toàn cầu.

Cuối cùng, tại Trung Quốc, nơi đặt chuỗi gia công và sản xuất của rất nhiều doanh nghiệp thế giới, chỉ số giá sản xuất (PPI) tại nước này đã đạt đỉnh vào cuối năm 2021 và đang trong xu hướng giảm. Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo chỉ số giá xuất xưởng tháng 5 tại nước này tăng 6,5%, thấp hơn 1,5% so với tháng trước đó.

“Ít nhất đây cũng là những dấu hiệu cho thấy chúng ta có thể không cách quá xa bước ngoặt và trong tương lai lạm phát sẽ giảm” - trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại công ty tài chính Australia & New Zealand Banking Group (Singapore) - ông Khoon Goh nhận định.

Chuyên gia này cho biết thêm một khi lạm phát giá hàng hóa nhập khẩu trên toàn cầu giảm xuống thì cước vận tải sẽ thấp hơn và thời gian giao hàng nhanh hơn. Nhiều nút thắt chuỗi cung ứng sẽ được gỡ bỏ, tạo điều kiện để giá cả hàng hóa nội địa lẫn nước ngoài có thể cùng giảm vào cuối năm nay.

Tôi nghĩ thế giới sẽ nhanh chóng chuyển từ lạm phát kỷ lục sang giảm phát. Giá hàng hóa sẽ giảm. Chúng vẫn ở mức cao nhất mọi thời đại nhưng không có khả năng tiếp tục tăng. Dù vậy, giảm mạnh như thế nào vẫn phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng tiềm năng toàn cầu vốn đang suy yếu do đại dịch COVID-19 và tình hình ở Ukraine.

Chuyên gia TAKAHIDE KIUCHI, Viện Nghiên cứu kinh tế Nomura (Nhật)

Chưa thể hết lo

Dù vậy, Bloomberg cũng nêu rõ rằng các diễn biến nói trên xảy ra trong bối cảnh chung là lạm phát ở một số khu vực vẫn đang ở mức đáng lo ngại. Lạm phát tại châu Âu gần đây đã vượt ngưỡng 8%, lạm phát tháng 5 ở Mỹ được dự báo sẽ cao tương đương tháng trước đó, trong khi châu Á tiếp tục đối mặt tình trạng giá cả leo thang.

Hiện các ngân hàng trung ương đang nỗ lực kiểm soát tình hình và tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần phải chờ đợi thêm một khoảng thời gian trước khi giá cả hàng hóa giảm xuống. Một số chuỗi bán lẻ khổng lồ như Walmart vẫn đang vật lộn với việc giải phóng hàng tồn kho, do người mua sắm kém nhiệt tình hơn khi giá cả tăng cao.

Theo cuộc thăm dò mới đây do tờ The Wall Street Journal và tổ chức NORC thuộc ĐH Chicago (Mỹ) thực hiện, khoảng 83% người Mỹ được hỏi cho biết tình trạng nền kinh tế kém hoặc không quá tốt. Đây là mức độ không hài lòng cao nhất kể từ năm 1972, khi NORC - một trong những tổ chức nghiên cứu độc lập lớn nhất ở Mỹ bắt đầu thực hiện thăm dò.

Bên cạnh đó, giá dầu - một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến lạm phát được dự báo sẽ vẫn cao. Hôm 6-6, hãng tin Reuters cho hay tổ chức nghiên cứu kinh tế Citi Research (Mỹ) thậm chí còn nâng dự báo giá nhiên liệu này, do nguồn cung bổ sung từ Iran bị trì hoãn khiến thị trường tiếp tục căng thẳng. Cụ thể, Citi Research đã nâng dự báo giá dầu Brent trong quý II thêm 14 USD, lên 113 USD/thùng. Giá quý III và IV cũng tăng thêm 12 USD, lên lần lượt 99 USD và 85 USD mỗi thùng. Tổ chức này ước tính giá dầu Brent đạt trung bình 75 USD/thùng vào năm 2023, cao hơn 16 USD so với dự báo trước đó.•

WB giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Theo hãng tin AP, báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (Global Economic Prospects) mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy nền kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng trưởng 2,9% trong năm nay, giảm mạnh so với mức tăng 5,7% đạt được vào năm 2021. Mức dự báo này cũng thấp hơn 1,2% so với triển vọng tăng trưởng 4,1% mà WB đưa ra hồi tháng 1.

Cũng theo báo cáo, tăng trưởng toàn cầu sẽ duy trì quanh ngưỡng dự báo nói trên cho tới hết năm 2023 và 2024, trong khi lạm phát sẽ tiếp tục cao hơn mục tiêu ở nhiều nền kinh tế. Điều này đồng nghĩa thế giới sẽ ở trong tình trạng “stagflation” - được định nghĩa bởi tăng trưởng ì ạch và lạm phát cao, “cơn ác mộng” từng xảy ra vào những năm 1970.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo theo sự leo thang của giá hàng hóa cơ bản càng làm trầm trọng thêm những thiệt hại mà đại dịch COVID-19 gây ra cho nền kinh tế toàn cầu. WB cho rằng kinh tế thế giới đang bước vào “một thời kỳ kéo dài với tăng trưởng kém và lạm phát duy trì ở mức cao”.

“Chiến tranh ở Ukraine, phong tỏa ở Trung Quốc, gián đoạn chuỗi cung ứng và rủi ro “stagflation” đang gây tổn thất cho tăng trưởng. Đối với nhiều quốc gia, suy thoái sẽ là chuyện khó tránh khỏi” - Chủ tịch WB David Malpass nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm