Lạm phát toàn cầu, các nước đồng loạt tăng lãi suất

(PLO)- Ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia đồng loạt tăng lãi suất kỷ lục để trợ lực cho kinh tế quốc gia vượt qua tình trạng lạm phát chưa từng thấy trong nhiều năm trở lại đây.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm 4-5 (giờ địa phương), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo tăng lãi suất thêm 0,5%. Đây là lần thứ hai Fed tăng lãi suất sau khi đã tăng 0,25% hồi tháng 3 và là đợt tăng lãi suất lớn nhất kể từ tháng 5-2000, trong nỗ lực kiềm chế lạm phát đang leo thang ở nước Mỹ. Thông tin trên được đưa ra vào cuối cuộc họp chính sách của cơ quan này kéo dài hai ngày.

Mỹ gấp rút kiềm lạm phát cao nhất trong 40 năm

Số liệu từ Cục Thống kê lao động Mỹ công bố vào giữa tháng 4 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng ở nước này đã tăng 8,5% so với 12 tháng trước đó.

Giá vàng kỳ hạn tại sàn COMEX của thị trường New York giảm trong phiên giao dịch ngày 4-5 sau quyết định tăng lãi suất của Fed. Cụ thể, giá vàng giao tháng 6 giảm 1,8 USD (0,1%) đóng cửa ở mức 1.868,8 USD/ounce (khoảng 5,2 triệu đồng/chỉ). Các chuyên gia dự báo giá vàng có thể giao dịch quanh ngưỡng 1.900 USD/ounce trong ngắn hạn.

Theo Chủ tịch Fed Jerome Powell, trước tình hình lạm phát đang tăng nhanh với tốc độ chưa từng thấy trong 40 năm trở lại đây, các biện pháp kiềm chế cần phải được thực thi quyết liệt và càng sớm càng tốt. Ông cho biết các đợt tăng lãi suất 0,5% nữa sẽ được đưa ra bàn tại các cuộc họp tới nhưng mức tăng 0,75% thì chưa được xem xét, theo đài CNBC.

“Nền kinh tế Mỹ vẫn rất mạnh và còn điều kiện thuận lợi để tiến hành các chính sách tiền tệ thắt chặt hơn” - ông Powell nhận xét, đồng thời cho biết thêm rằng ông dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh “mềm hoặc hơi mềm” (nghĩa là nền kinh tế chịu mức suy thoái vừa phải) bất chấp chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

Chứng khoán Mỹ đã bật tăng sau phát ngôn của ông Powell, với chỉ số S&P 500 tăng 1,7% trong phiên giao dịch ngày 4-5, trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ giảm khỏi mức cao trước đó.

Fed cũng công bố kế hoạch giảm bảng cân đối kế toán trị giá 9.000 tỉ USD của mình để đối phó với tình trạng giá cả tăng nhanh. Theo kế hoạch, việc giảm bảng cân đối kế toán sẽ diễn ra theo từng giai đoạn, với việc Fed cho phép giới hạn số tiền thu được từ trái phiếu đáo hạn được tung ra mỗi tháng trong khi tái đầu tư phần còn lại.

Người dân Mỹ mua thực phẩm ở một siêu thị tại TP Dayton, bang Ohio hồi tháng 3. Ảnh: REUTERS

Người dân Mỹ mua thực phẩm ở một siêu thị tại TP Dayton, bang Ohio hồi tháng 3.
Ảnh: REUTERS

Hàng loạt nước cũng tăng lãi suất

Giá cả đang tăng vọt vào thời điểm mà nhiều quốc gia, vốn vẫn đang quay cuồng với đại dịch, đang phải đối mặt với áp lực gia tăng từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng do xung đột quân sự Nga - Ukraine gây ra, theo hãng thông tấn DW.

Hầu hết nền kinh tế phương Tây đã ít nhiều giữ lãi suất của họ bằng hoặc gần bằng 0 (mức thấp chưa từng có tiền lệ) liên tục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ tài chính chưa từng có tiền lệ được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới đã và đang khiến lạm phát tăng cao hơn. Các cuộc thảo luận của các cơ quan chức năng về cách để làm thay đổi tình hình đã được hâm nóng trở lại, ngay cả trước khi cuộc xung đột ở Ukraine bùng phát làm tăng thêm áp lực lên giá lương thực và nhiên liệu.

Không chỉ ở Mỹ, ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia cũng tăng lãi suất, thắt chặt chi phí đi vay. Ngày 4-5, vài giờ trước khi Fed thông báo tăng lãi suất, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã thông báo tăng lãi suất thêm 0,4%, lên thành 4,4%, với hiệu lực ngay lập tức. Lần tăng lãi suất gần nhất của Ấn Độ là vào tháng 8-2018.

Thống đốc RBI Shaktikanta Das nêu lo ngại về giá lương thực cao ở Ấn Độ, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt dầu ăn do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine.

“Khi nhiều cơn bão ập đến cùng nhau, hành động của chúng ta ngày nay là những bước đi quan trọng để giữ vững con tàu. Đáng báo động nhất là áp lực lạm phát dai dẳng và lan rộng đang trở nên gay gắt hơn mỗi ngày”, theo Thống đốc RBI Shaktikanta Das.

Hôm 3-5, Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) cũng đã công bố mức nâng lãi suất cao hơn dự kiến, với 0,25%, đưa tỉ lệ lãi suất cơ bản ở nước này lên mức 0,35%. Đây là đợt tăng lãi suất đầu tiên của Úc trong hơn 10 năm qua.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng dự kiến sẽ tăng lãi suất lần thứ tư liên tiếp, từ 0,75% lên 1%, trong ngày 5-5.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đến lúc này vẫn “án binh bất động”. Tuần rồi, Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos có nói rằng Hội đồng thống đốc ECB đã không thảo luận về bất kỳ đợt tăng lãi suất dự kiến nào. Tuy nhiên, một thành viên khác trong hội đồng là bà Isabel Schnabel mới đây khẳng định với hãng tin Reuters rằng nhiều khả năng ECB sẽ buộc phải tăng lãi suất trước tháng 7, trước khi tình trạng lạm phát trở nên nghiêm trọng hơn.

Động thái tăng lãi suất của các nước nằm trong nỗ lực giúp giảm thiểu tác động của lạm phát đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến lo rằng việc tăng lãi suất có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế và thậm chí đẩy các nền kinh tế lớn vào suy thoái.•

Liệu lạm phát toàn cầu có đưa thế giới vào suy thoái?

Tờ Financial Times dẫn lời một số chuyên gia kinh tế nhận định dù hiện giá hàng hóa tăng mạnh tương tự như đợt suy thoái những năm 1970, lúc này có nhiều điểm khác biệt so với thời kỳ đó.

Các hộ gia đình giờ đây cũng có thể chịu được chi phí năng lượng cao hơn nhờ khoản tiền tiết kiệm được trong đại dịch. Nhiều nền kinh tế, chủ yếu là các nền kinh tế giàu có, đã thực hiện các biện pháp bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương nhất khỏi tác động của giá cả tăng cao, bao gồm trợ cấp nhiên liệu và chi phí năng lượng.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại các yếu tố gây bất ổn, bao gồm giá khí đốt tăng nhanh, thị trường lao động thắt chặt ở Mỹ và châu Âu, lãi suất tăng ảnh hưởng nghiêm trọng tới các doanh nghiệp và hộ gia đình với thu nhập thực tế giảm mạnh do giá cả tăng.

Các chuyên gia dự báo lạm phát toàn cầu sẽ tăng trong năm tới, trong khi kỳ vọng tăng trưởng đang xấu đi, đồng nghĩa với việc giảm lợi nhuận kinh doanh và sức mua của các hộ gia đình, các hộ gia đình thu nhập thấp vẫn sẽ là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm