Theo hãng tin Reuters, Bộ Y Tế Nam Phi cho biết quốc gia này đã ghi nhận 10.107 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 vào ngày 1-8, nâng tổng số lên 503.209 ca. Trong khi đó, tổng số ca bệnh ở các quốc gia châu Phi đã vượt 1.000.000 ca.
Cụ thể, Nam Phi phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào tháng 3, và đến nay đã ghi nhận 8.153 ca tử vong. Toàn châu Phi hiện ghi nhận 934.558 ca nhiễm, trong đó có 19.752 ca tử vong và 585.657 trường hợp đã hồi phục.
Một chuyên viên y tế tại khu vực kiểm tra và xét nghiệm virus SARs-CoV-2 nhằm đối phó với đại dịch tại Nam Phi hồi tháng 4. Ảnh: REUTERS/Siphiwe Sibeko
Hiện Nam Phi có số ca nhiễm COVID-19 cao thứ năm trên toàn thế giới, và điều này là một khó khăn rất lớn vì quá nhiều ca bệnh sẽ đè nặng lên hệ thống y tế vốn đã quá tải ở quốc gia này.
Tính đến thời điểm hiện tại, ngay cả ở Nam Phi - quốc gia phát triển nhất lục địa, mới chỉ có hơn 3.000.000 người dân được xét nghiệm COVID-19. Việc trì trệ trong xét nghiệm cũng là một thách thức lớn trong cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID-19 ở châu Phi nói chung và Nam Phi nói riêng.
Trước đó, chính phủ Nam Phi đã ra lệnh phong tỏa đất nước vào cuối tháng 3 để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Tuy nhiên, vì phần lớn người dân ở châu Phi vẫn đang phải đối mặt với đói nghèo nên việc thúc đẩy các hoạt động kinh tế chính là ưu tiên hàng đầu. Điều này khiến các quốc gia trong châu lục nới lỏng lệnh cấm khi thấy có dấu hiệu giảm đi của bệnh dịch.
Tổng thống Cyril Ramaphosa nói trong một bài phát biểu: “Việc phong tỏa đã thành công làm giảm sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời ngăn chặn sự bùng phát của dịch vào cuối tháng 3”.
Khi giảm nhẹ các biện pháp ngăn cấm, con số ca nhiễm lại bùng lên trong hai tháng gần đây. Tuy nhiên, các ca nhiễm mỗi ngày có vẻ dẫn ổn định, nhất là ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất như tỉnh Western Cape, tỉnh Gauteng và tỉnh Eastern Cape, theo ông Ramaphosa.
Một trong những chuyên gia khủng hoảng hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Mike Ryan từng cảnh báo rằng những gì đang xảy ra ở Nam Phi chính là điềm báo cho những gì mà các quốc gia khác trên lục địa này sẽ phải trải qua trong thời gian sắp tới.
Thách thức lớn nhất - nếu không muốn nói là không thể - chính là việc bảo đảm giãn cách xã hội trong các khu dân cư nghèo nàn, chật chội của người dân tại châu lục này. Đây chính là chất xúc tác cho sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19.