Số người sử dụng thực tế chỉ dao động trong khoảng 40-50 triệu người.
Do trước đây không hề có quy định chụp ảnh chính chủ SIM, cho nên theo yêu cầu cập nhật bổ sung ảnh chính chủ SIM thì trên 120 triệu thuê bao này đều phải có ảnh.
Các nhà mạng, các đại lý phải bố trí nhân viên, tập huấn cho nhân viên cách chụp ảnh chủ SIM cho đúng cách, trích xuất dữ liệu hình ảnh và cập nhật dữ liệu này vào hệ thống. Với mỗi thuê bao, việc tra cứu thông tin cũ, đối chiếu CMND với người thật, chụp ảnh người thật, cập nhật hình ảnh mới vào hệ thống dữ liệu… cho là mất 10 phút làm việc. Một ngày làm việc tám tiếng, một nhân viên có thể chụp ảnh, cập nhật thông tin cho 50 thuê bao/ngày, 300 thuê bao/tuần và khoảng 16.000 thuê bao/năm.
Như vậy, với 120 triệu thuê bao, nhà mạng cần số lao động tương đương với thuê 7.500 nhân viên làm việc trong vòng một năm cho mỗi việc chụp ảnh chính chủ SIM!
Giả sử mỗi nhân viên này được trả lương 5 triệu đồng/tháng, thiệt hại với nhà mạng là khoảng 450 tỉ đồng/năm.
Đấy là chưa kể chi phí cho việc trang bị các thiết bị chụp ảnh, đồng bộ dữ liệu hình ảnh vào hệ thống…
Thiệt hại với xã hội còn nhiều hơn. Nếu tính trung bình một thuê bao mất khoảng 30 phút để đi bộ/đi xe… đến một đại lý di động và làm thủ tục để hoàn tất việc cập nhật hình ảnh chính chủ SIM thì 120 triệu thuê bao sẽ tiêu tốn của xã hội 60 triệu giờ đồng hồ!
Con số này chỉ là nhẩm tính, bởi vì trong số đó có thể có hàng bao nhiêu triệu thuê bao sẽ chọn cách vứt bỏ chiếc SIM, còn hơn là mất 30 phút.
Trong một dự thảo tờ trình Nghị định 49/2017 của Bộ TT&TT đăng công khai để lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp trên trang web của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, phần đánh giá tác động không hề đề cập đến những thiệt hại mà người dân, doanh nghiệp gánh chịu. Bộ này chỉ cho rằng: “Với quy định phải cung cấp lại thông tin đối với toàn bộ thuê bao trả trước, chắc chắn là những thuê bao hiện đang có thông tin đúng sẽ phản ứng. Một bộ phận người dân và xã hội thì có thể phản ứng trong giai đoạn đầu do một số trường hợp bị dừng cung cấp dịch vụ do thông tin sai mà không chịu hợp tác, đi cung cấp lại thông tin thuê bao”.
Với đánh giá tác động đến doanh nghiệp, bộ này cho rằng: “Tác động đến doanh nghiệp viễn thông và ngành viễn thông - doanh nghiệp viễn thông sẽ cần nhân sự, kinh phí khá lớn để triển khai”.
Đặc biệt, trong dự thảo nghị định công khai này không hề nhắc đến việc chụp ảnh, bổ sung ảnh chụp của chính chủ SIM.
Một quy định ảnh hưởng đến 120 triệu thuê bao, có thể nói hầu hết người dân, mà không đánh giá tác động của nó, cũng như cân nhắc giữa chi phí bỏ ra và hiệu quả mang lại thì e là chưa thỏa đáng với người dùng dịch vụ.