Trao đổi với Báo Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cho biết, giá vàng SJC tăng trên 80 triệu đồng/lượng, một mức đỉnh lịch sử của giá vàng Việt Nam đến từ nhiều nguyên nhân.
Đầu tiên, giá vàng trong nước liên thông với giá vàng thế giới nên biến động cùng chiều khi giá vàng thế giới tăng cao. Tuy nhiên, nếu như giá vàng thế giới chỉ tăng nhẹ thì giá vàng SJC có bước tăng rất mạnh. Bởi vì, nguồn cung vàng SJC hiện nay khá hiếm do không còn được sản xuất, mà chủ yếu chỉ mua bán trao đổi lẫn nhau.
Thứ hai, người tiêu dùng nhìn thấy vàng thế giới có khả năng tăng cao hơn trong tương lai vì tình hình địa chính trị, khả năng Mỹ giảm lãi suất, nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương toàn cầu vẫn lớn.
Do đó, người tiêu dùng sợ giá vàng trong nước tiếp tục tăng nên họ mua vào. Ngoài ra, dịp lễ hội cuối năm, nhu cầu vàng lớn hơn bên bán nên cũng góp phần đẩy giá vàng SJC lên cao.
Theo ông Khánh, với giá vàng SJC tăng đỉnh, những người đã mua vàng trước đó nên bán chốt lời, vì mức giá 80 triệu đồng là đỉnh cao lịch sử.
"Nếu mua vàng SJC vào lúc giá đỉnh, tôi khuyến nghị không nên mua. Vì khi giá vàng SJC tăng mạnh, sẽ có nhiều người đem vàng ra bán chốt lời nên sẽ khiến giá vàng quay đầu giảm. Mua đỉnh lúc này sẽ trở nên rất rủi ro" - ông Khánh nói.
Sáng nay (27-12), giá vàng SJC đã có lúc tăng lên mức 80,10 triệu đồng/lượng, tiệm gần đỉnh lịch sử 80,30 triệu đồng được thiết lập vào ngày hôm qua (26-12). Nhưng đến phiên chiều, giá vàng đã giảm còn 79,60 triệu đồng/lượng.