Lắp công tơ điện tử để tránh nhầm chỉ số điện

Gần đây, nhiều người dân đã sốc khi nhận được hóa đơn tiền điện vì phải chi trả một khoản tiền tăng nhiều lần so với các tháng trước đó.

Một trong những nguyên nhân được EVN chỉ ra là do nhân viên điện lực ở một số địa phương ghi nhầm chỉ số công tơ điện.

Sớm áp dụng công tơ điện tử

Trước tình hình trên, EVN đã lập đoàn kiểm tra thực tế việc ghi chỉ số công tơ tại Hà Nội. Dự kiến đoàn kiểm tra sẽ tiếp tục kiểm tra tại Đà Nẵng, TP.HCM và một số tỉnh phía Nam trong tuần này.

Tại cuộc họp với EVN, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã đề xuất ngành điện nên áp dụng các giải pháp để khách hàng có thể theo dõi được lượng điện tiêu thụ hằng ngày một cách thuận tiện, dễ dàng nhất. Trong đó, giải pháp được tính đến là áp dụng hệ thống công tơ đo đếm điện tử thay cho công tơ cơ khí đang sử dụng.

Bà Đỗ Thị Kiều Trang, Phòng giá, phí, thuộc Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho rằng EVN cần sớm đẩy nhanh áp dụng công tơ điện tử cho khách hàng sử dụng điện.

Tương tự, ông Nguyễn Anh Sơn, Phó Phòng đo lường điện (Viện Đo lường Việt Nam), kiến nghị ngành điện cần phải hướng dẫn rõ hơn cho người dân trong quá trình sử dụng điện. Khi người dân có thể theo dõi được số điện dùng hằng ngày, họ sẽ tính toán và kiểm soát các thiết bị điện, tránh được các sai sót khi ghi chỉ số điện thủ công như hiện nay.

Việc ghi chỉ số công tơ điện vẫn đang làm theo phương pháp thủ công. Ảnh: MH

Người dân dễ theo dõi lượng điện tiêu thụ

Nhiều bạn đọc thắc mắc: Công tơ điện tử hoạt động ra sao?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban kinh doanh EVN, cho biết công tơ điện tử hoạt động thông qua bộ xử lý CPU thu nhận các tín hiệu dòng điện và điện áp. Từ đó tính toán ra các thông số như điện năng tác dụng, điện năng phản kháng, công suất…

Chỉ số và các thông số công tơ đọc dữ liệu từ xa bằng các hình thức: Thiết bị cầm tay có sóng vô tuyến RF để thu thập các công tơ trong bán kính vài chục đến vài trăm mét, mạng thông tin vô tuyến mắt lưới, truyền dữ liệu thông qua đường dây điện hạ thế, truyền dữ liệu công tơ qua mạng di động đến phần mềm thu thập và quản lý dữ liệu. Từ phần mềm này sẽ được chuyển vào phần mềm quản lý khách hàng để phục vụ công tác tính toán và lập hóa đơn tiền điện.

Khi áp dụng hình thức này thì việc thu thập chỉ số tiêu thụ điện được thực hiện hoàn toàn tự động và từ xa.

Cũng theo ông Dũng, cả nước đang có gần 26 triệu hộ dùng điện nhưng chỉ 53,8% dùng công tơ điện tử.

Theo lộ trình hiện đại hóa hệ thống đo đếm thì đến năm 2025, Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM sẽ áp dụng 100% công tơ điện tử.

Hai đơn vị còn lại là Tổng Công ty Điện lực miền Nam và miền Bắc sẽ lắp đặt khoảng 70% công tơ điện tử.

Chuyển đổi công tơ điện tử cần thời gian

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN, cho biết việc chuyển đổi từ công tơ cơ qua công tơ điện tử cần có thời gian. Bởi chi phí mua sắm công tơ này sẽ tác động đến chi phí giá thành điện.

Ước tính EVN sẽ phải bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng lắp công tơ điện tử. Nếu EVN áp dụng ngay sẽ tạo áp lực lên giá điện. Vì thế, EVN sẽ tính toán, lựa chọn phương án hợp lý, có lộ trình và không gây gánh nặng tài chính.

Singapore lắp miễn phí công tơ điện tử cho người dân

Hiện nay, Singapore đang lắp đặt công tơ điện tân tiến (AMI) cho người dân. Công tơ này cho phép người dân đọc được lượng điện sử dụng ngay trên ứng dụng SP Utilities.

Chu kỳ 30 phút, công tơ này tự động gửi cập nhật cho nhà cung cấp dịch vụ các ngày trong tuần. Qua công tơ AMI, người dân nắm được mức độ sử dụng điện hằng ngày.

Theo đó, hóa đơn sẽ được tính theo số điện tiêu thụ thực tế và chỉ số được đọc từ xa. Hoặc người dân có thể gửi số điện thực tế về cho nhà cung cấp và đối chiếu chỉ số.

Tính đến cuối năm 2019, Singapore đã lắp đặt gần 300.000 công tơ AMI, chủ yếu tại các khu dân cư mới và khi công tơ cơ khí đến lúc phải thay mới.

Ước tính sẽ có khoảng 1,1 triệu hộ dân còn lại sẽ được lắp công tơ AMI trong vòng năm năm tới. Công tơ được lắp miễn phí, nếu người dân muốn lắp sớm hơn kế hoạch thì phải trả số tiền một lần duy nhất là 40 SGD (khoảng 670.000 đồng), chưa bao gồm thuế.

Thời tiết nắng nóng, khách hàng có nhu cầu sử dụng điện nhiều hơn cũng khiến chi phí tiền điện tăng cao.

Tuy nhiên, việc áp dụng giá điện bậc thang là để khuyến khích khách hàng tiết kiệm điện. Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm chỉnh việc kiểm tra, phúc tra hóa đơn có chỉ số điện tăng từ 30% trở lên so với tháng trước.

Ông NGUYỄN ANH TUẤNCục trưởng Cục Điều tiết điện lực,
Bộ Công Thương
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm