MIỀN TRUNG PHÒNG, CHỐNG BÃO SỐ 8

Lập trạm tiền phương tiếp nhận, phân chia hàng cứu trợ

Trong ngày 21-10, mưa tại nhiều nơi ở Quảng Bình đã giảm, nước nhiều nơi rút hơn cả mét. Các tuyến đường ngập nhiều ngày đã được thông xe, một số địa phương ô tô đã đến được trung tâm xã. Sau đó, hàng cứu trợ sẽ từ xã chuyển đến các thôn bằng thuyền. Việc cứu trợ hoàn toàn bằng thuyền chỉ đến những nơi hoàn toàn bị cô lập.

Xăng dầu của các doanh nghiệp hỗ trợ miễn phí cho trạm tiền phương sử dụng cho các phương tiện cứu trợ. Ảnh: HẢI HIẾU

Lập trạm để không một ai bị bỏ sót

Ngày 21-10, tại huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) có 15 xã nhưng có đến 12 xã bị ngập lụt. Trong đó có 8 xã ngập sâu, nước chảy siết và bị cô lập hoàn toàn. Hiện công tác cứu hộ đưa người dân đến những nơi cao ráo, an toàn đã hoàn tất. Nhiệm vụ của lực lượng chức năng hiện tại tập trung vào công tác cứu trợ lượng thực, thực phẩm cho người dân hàng ngày.

Để không một ai bị bỏ sót, lãnh đạo huyện này đã lập ba trạm tiền phương chuyên tiếp nhận hàng cứu trợ từ khắp nơi đổ về để phân chia hợp lý nhất cho các thôn, làng. Ba trạm tiền phương gồm ngã ba Dinh Mười (xã Gia Ninh), Nam Long (Xuân Ninh) và Võ Xá (xã Võ Ninh). Những trạm này sẽ cán bộ huyện túc trực 24/24 để tiếp nhận hàng hóa cứu trợ. Nơi đây cũng là bến đò với nhiều phương tiện thủy như ca nô, ghe đi biển, ghe đi sông loại lớn. Vì những ghe nhỏ của bà con đánh cá trên sông không thể vượt qua những vùng ngập với nước xoáy, sóng lớn.

Sáng sớm cùng ngày tại trạm ngã tư Dinh Mười (xã Gia Ninh), từng đoàn cứu trợ với xe tải chở nhiều loại hàng hóa cho bà con vùng lũ như áo phao, phao cứu sinh, sữa đặc, sữa tươi, lương khô…Mọi người hối hả đưa thuyền xuống nước lại để bốc hàng trên xe tải xuống thuyền.

Ông Lê Ngọc Huân, Phó chủ tịch huyện Quảng Ninh túc trực tại đây cho biết: Khi hàng cứu trợ đến, ban chỉ đạo tại đây sẽ phân chia và ghi lại để tránh việc thôn có nhiều thôn không có. Ca nô của công an, bộ đội, đội cứu trợ… sẽ chờ lệnh nhận hàng đem đi phân chia. Theo ông Huân, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã cung cấp nhiện liệu miễn phí cho việc cứu trợ. Mỗi sáng sớm, hàng cứu trợ sẽ được phân chia đến từng những nơi cao của từng thôn, từng làng. Lãnh đạo các xã sẽ có người túc trực tại trạm tiền phương để ghi nhận, tiếp nhận và theo dõi hàng về thôn nào, đã đến chưa. Các lãnh đạo thôn có nhiệm vụ dùng thuyền nhỏ để luồng lách vào các xóm nhỏ, chia cho từng nhà.

Ông Lê Ngọc Huân, Phó Chủ tịch huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), chỉ đạo công tác phân chia hàng cứu trợ. Ảnh: HẢI HIẾU

 

134 người chết và mất tích

Tính đến 18 giờ ngày 21-10, tổng số người chết và mất tích do mưa lũ đã tăng lên 134 người, tăng một người so với ngày 20-10.

Hơn 120.000 hộ dân ở hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình còn ngập trong nước lũ. Quảng Trị cơ bản nước đã rút khỏi nhà dân, chỉ còn một số tuyến đường ở vùng trũng thấp ngập nhẹ. 

Ông Huân cho biết thêm, ngoài ra từng xã cũng có dự trữ các thực phẩm, nước uống để cung cấp cho những nơi cần. Nếu hàng cứu trợ không đến, họ sẽ nắm và đưa đến. Chắc chắn không một ai bị bỏ lọt phải đói, khát. Chính quyền địa phương khuyến khích người cứu trợ nên hỏi ý kiến địa phương để hàng hóa đến đúng nơi cần.

Đám tang treo quan tài lên nóc nhà

Gặp chúng tôi, anh Đặng Ngọc Nghiên (40 tuổi, thôn Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) lo ngại lũ sắp chạm trần nhà. Ngày 17-10, khi gia đình đang tổ chức đám tang cho mẹ anh Nghiên thì lũ về. Căn nhà nằm giữa cánh đồng nước lũ dâng lên gần đụng nóc. Mọi người chỉ kịp tìm cách đưa quan tài cột lên nơi cao nhất của nóc nhà. Nhưng có lúc nước ngập đụng chân quan tài. Gia đình anh Nghiên đang chờ nước rút để chôn cất mẹ.

Anh Nghiên cho biết, khu vực này ngập sâu nhất huyện Lệ Thủy lại nằm sau cánh đồng nên ghe cứu trợ và tiếp tế khó khăn. Mấy ngày nay ai cũng lo chạy lũ, mẹ anh mất nhưng không có bà con họ hàng đến viếng, anh Nghiên cảm thấy chưa có cái đám tang nào quạnh hiu như thế này.

“Chỉ mong nước rút hẳn để chôn cất mẹ cho yên thân bà. Cả đời bà khổ rồi, đến chết cũng không yên được với lũ lụt”, anh Nghiên run giọng.

Theo anh Nghiên, những ngày qua, anh em của ông phải lót ván gỗ ngũ gần quan tài đề phòng lũ tiếp tục dân lên ngập quan tài, ước thi thể mẹ. Nhưng rất may, những ngày qua lũ rút dần dần, gia đình anh bớt lo. Toàn huyện Lệ Thủy chỗ nào cũng ngập nên giờ tìm một chỗ chôn cất là rất khó, chỉ biết ngồi chờ nước rút.

Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh và quân khu 4 huy động nhiều phương tiện, vật tư, máy móc, nhân lực để tổ chức di dời dân và khắc phục hậu quả do mưa lũ, ngập sâu diện rộng, sạt lở đất. 

Bão số 8 mạnh cấp 11, giật cấp 14 hướng vào Trung bộ

Lũ lớn trên 16 tuyến sông chính ở miền Trung, nhiều nơi vượt mốc lịch sử.

Chiều 21-10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (KTTVQG) cho biết bão số 8 đang cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 500 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 130 km tính từ tâm bão.

Bão di chuyển theo hướng tây tây bắc và tiếp tục mạnh lên. Đến khoảng 16 giờ hôm nay (22-10), bão sẽ mạnh lên cấp 10-11, giật cấp 13. Tâm bão còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300 km về phía đông. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão vẫn tiếp tục mạnh thêm. Cường độ bão có thể đạt cấp 11-12, giật cấp 14.

Tại cuộc họp ứng phó với bão số 8 và mưa lũ miền Trung sáng 21-10, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTVQG, cho biết bão số 8 sẽ tiếp tục mạnh lên, có thể đạt cấp 11-12, giật cấp 14 khi vào khu vực quần đảo Hoàng Sa.

“Tổng hợp từ các phân tích quốc tế và Việt Nam, chúng tôi nhận định có hai giai đoạn ảnh hưởng đến cường độ của bão. Giai đoạn đầu tiên, từ nay đến khi bão vào đến khu vực quần đảo Hoàng Sa, bão số 8 sẽ tăng cường độ với cấp độ mạnh nhất có thể đạt cấp 11-12, giật cấp 14. Giai đoạn tiếp theo, khi vào gần đất liền, bão có khả năng suy yếu vì gặp bề mặt khí quyển lạnh” - ông Khiêm nhận định.

Trung tâm cũng nhận định trọng tâm bão số 8 hướng đến là Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ, thời gian ảnh hưởng từ đêm 24, ngày 25 và 26-10. Thời điểm đổ bộ vào đất liền, có khả năng bão giảm còn cấp 8-9.

Với điều kiện như vậy, Trung tâm Dự báo KTTVQG cảnh báo dù hai, ba ngày nữa bão mới ảnh hưởng nhưng từ nay cần ứng phó với gió mạnh ở khu bắc Biển Đông, khu vực quần đảo Hoàng Sa với vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 12, sóng biển cao 5-7 m.

Lập trạm tiền phương tiếp nhận, phân chia hàng cứu trợ ảnh 3
Vị trí, đường đi của bão số 8. Ảnh: nchmf.gov.vn

Lập trạm tiền phương tiếp nhận, phân chia hàng cứu trợ ảnh 4
Tại xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), nước dâng cao ngang nóc nhà, người dân chủ yếu di chuyển bằng thuyền. Ảnh: A.TÙNG

 Báo cáo của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết trong những ngày qua, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa lớn, nhiều khu vực có tổng lượng mưa lên tới 1.600 mm.

Mưa gây lũ lớn trên 16 tuyến sông chính tại khu vực miền Trung. Trong đó có năm tuyến sông lũ đã vượt lịch sử. Đó là các sông Kiến Giang (Quảng Bình); sông Hiếu, sông Thạch Hãn, sông Ô Lâu (Quảng Trị); sông Bồ (Thừa Thiên-Huế).

Những cơn bão dồn dập trong thời gian ngắn hướng vào các tỉnh miền Trung vừa qua có nguy cơ kéo theo nhiều thiên tai nguy hiểm. Trong 3-4 ngày tới ở khu vực miền Trung, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở các vùng núi.

AN HIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm