Tại hội thảo Mô hình tổ chức, quản lý lễ hội đền Trần Nam Định năm 2012 diễn ra ngày 18-7 tại TP Nam Định, Viện Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) VN đã đưa ra đề án với hai phương án để lấy ý kiến các đại biểu nhằm lựa chọn, bổ sung phương án phù hợp nhất cho lễ hội.
Chưa được sự đồng thuận
Mở đầu hội thảo, chủ tọa - PGS-TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện VHNT VN, dẫn kết luận của bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đề nghị các ý kiến tập trung vào việc góp ý hoàn chỉnh các đề án đã được đưa ra. Theo đó, “Nhất trí tiếp tục thực hiện lễ khai ấn đền Trần theo nghi thức truyền thống và không tổ chức phát ấn vào đêm 14 rạng ngày 15 tháng Giêng hằng năm”. Theo chủ tọa, các đại biểu sẽ không góp ý về việc tiếp tục phát ấn vì quyết định của bộ trưởng là căn cứ để thực hiện. Tuy nhiên, tại hội thảo vẫn có nhiều ý kiến bàn thảo về vấn đề này.
Đưa ra các tư liệu lịch sử, như trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư và các cuốn sách có đề cập đến việc phát ấn tại đền Trần, TS Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học) cho rằng việc khai ấn và phát ấn đền Trần như đã được thực hiện là một “sáng tạo” của người nay chứ chưa hề tồn tại trong lịch sử. Có chung ý kiến, TS Nguyễn Xuân Diện bày tỏ: “Đã là hội thảo khoa học thì phải có các tư liệu khoa học để chứng minh về sự tồn tại của lễ phát ấn đền Trần. Tuy nhiên, trong đề án chưa có được những chứng cứ này”.
Phản biện lại hai ý kiến trên, PGS-TS Đặng Văn Bài cho rằng trong thực tế lịch sử có nhiều câu chuyện không được chính sử ghi lại nhưng vẫn tồn tại trong dã sử và được công nhận. Việc phát ấn tại đền Trần cũng vậy. Dẫn ra một bài thơ có những câu mô tả việc phát ấn được cho là ra đời vào thế kỷ 15, ông Bài khẳng định việc đóng và phát ấn đã từng tồn tại trong lịch sử và được cộng đồng ghi nhận.
Các đại biểu phát biểu tại hội thảo Mô hình tổ chức, quản lý lễ hội đền Trần Nam Định năm 2012. Ảnh: V.THỊNH
Về các phương án tổ chức lễ hội đền Trần do Viện VHNT VN đưa ra, đa số ý kiến của đại diện dòng tộc họ Trần và các vị cao niên phường Lộc Vượng (TP Nam Định) không đồng thuận với cả hai phương án. Ông Trần Mạnh Quảng, Chủ tịch hội đồng Trần tộc, cho rằng toàn bộ hình ảnh về đêm phát ấn vô cùng linh thiêng và đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân nên không thể thay đổi giờ phát ấn. Cụ Trần Quốc Văn, đại diện các cụ cao niên phường Lộc Vượng, cũng cho rằng việc phát ấn được tổ chức trong nhiều ngày không chỉ làm mất đi sự linh thiêng truyền thống mà còn tạo ra sự phức tạp cho công tác an ninh trật tự của địa phương.
Trả lễ hội về cho cộng đồng
Bởi người dân là chủ thể sáng tạo ra lễ hội nên cần trả lễ hội về cho cộng đồng, đó là một trong những ý kiến chủ đạo, nhận được nhiều sự đồng thuận từ các đại biểu tại hội thảo. Vì thế, cũng theo PGS-TS Đặng Văn Bài, việc quyết định sự tồn tại của các lễ nghi trong lễ hội nên giao lại cho nhân dân. “Chỉ nên dùng biện pháp quản lý nhà nước để hỗ trợ việc duy trì lễ hội chứ không dùng để can thiệt vào lễ hội dân gian” - ông Bài nói.
Có chung ý kiến này, nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trần Chiến Thắng góp ý địa phương cũng nên mở rộng khu vực đóng ấn chứ không nên chỉ đóng ấn ở khu vực hậu cung như hiện nay, đồng thời không nên hạn chế số lượng ấn phát ra. “Để nhiều người cùng tham gia, chứng kiến; nên tổ chức phát ấn ở nơi rộng rãi, có thể kéo dài thời gian phát ấn ra cả tháng Giêng” - ông Thắng nêu ý kiến.
Coi phát ấn là biểu hiện văn hóa của một tập quán cần được giữ gìn và phát huy, TS Lê Thị Minh Lý (Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa) nêu quan điểm cần thay đổi cách quản lý chứ không phải dừng nó lại. TS Lê Thị Minh Lý cũng đề xuất nên kiểm kê, nhận dạng lại các biểu hiện văn hóa của lễ hội đền Trần, từ đó đánh giá đúng, loại bỏ những ngộ nhận về lễ hội. “Cần có những cam kết giữa cộng đồng với chính quyền. Đây mới là cách bảo tồn di sản một cách bền vững” - bà Lý đề xuất.
Kết thúc hội thảo, dự kiến Viện VHNT VN sẽ tiếp tục bàn với các cơ quan liên quan, dựa trên các ý kiến tại hội thảo để hoàn chỉnh đề án trước khi công bố bản đề án cuối cùng.
Hai phương án tổ chức lễ hội đền Trần do Viện VHNT VN đưa ra: 1. Không tổ chức phát ấn, chỉ khai ấn. 2. Khai ấn như thường lệ, phát ấn vào ngày hôm sau và kéo dài trong hai hoặc ba ngày trên cơ sở thực hiện thật tốt các hoạt động bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Lễ hội đền Trần diễn ra vào rằm tháng Giêng hằng năm và được mở đầu bằng lễ khai ấn đêm 14 tháng Giêng. Những năm gần đây, ngày càng nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp hội để xin được tờ ấn với mong ước thăng tiến trong nghề nghiệp. Điều đó dẫn đến tình trạng bát nháo do quá tải. Ngày 28-3-2011, bộ trưởng Bộ VH-TT&DL có văn bản chỉ đạo không tổ chức phát ấn đêm 14 tháng Giêng. Bộ đề nghị UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo Sở VH-TT&DL, UBND TP Nam Định phối hợp Viện VHNT VN tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và các cơ quan liên quan về việc phát ấn đền Trần trình UBND tỉnh và Bộ xem xét, quyết định. |
HỒ VIẾT THỊNH