17 bức tranh ký tên các họa sĩ nổi tiếng thế hệ Trường Mỹ thuật Đông Dương (1924-1945): Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Sỹ Ngọc, Tạ Tỵ của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung. Ngay sau khi phòng tranh mở cửa, nhiều người trong giới mỹ thuật đã nghi ngờ đây là những tranh giả, đề nghị nên đóng cửa phòng tranh và lập hội đồng thẩm định lại. Trước sự nghi ngờ tranh giả và đề nghị đóng cửa phòng tranh, ông Jean Francois Hubert, chuyên gia cao cấp về nghệ thuật Việt Nam và châu Á của hãng đấu giá nổi tiếng Christie’s Hongkong, đã khẳng định: “Tất cả tranh tại triển lãmNhững bức tranh trở về từ châu Âu đều là những bức tranh thật, được giám định, xác thực, có địa chỉ, nằm trong bộ sưu tập ở Pháp. Chúng không những là những nguyên bản mà còn tuyệt đẹp, hiếm có”.
Mọi chuyện càng rõ ràng khi Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức hội đồng thẩm định gồm các họa sĩ, chuyên gia uy tín hàng đầu do Cục trưởng Vi Kiến Thành làm chủ tịch. Ngày 19-7, hội đồng đã họp kín (không mời báo chí) tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, nơi đang diễn ra cuộc triển lãm tai tiếng này. Ông Vũ Xuân Chung cũng không được mời tham gia. Sau đó Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã ra thông báo khẳng định 15/17 bức tranh tại triển lãmNhững bức tranh trở về từ châu Âu thuộc bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung “không phải là bản vẽ do tác giả ký tên thực hiện và hai bức tranh trong bộ sưu tập này là mạo danh chữ ký tác giả (Tạ Tỵ và Sỹ Ngọc)”. Toàn bộ hội đồng cùng ký tên vào biên bản đề nghị giữ tranh lại hiện trường để phục vụ công tác điều tra, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xử lý và sớm có kết luận cho vấn đề này. Thế nhưng ngày 22-7, ông Vũ Xuân Chung đã cho xe đến chở toàn bộ tranh triển lãm đi. Phó giám đốc bảo tàng Trịnh Xuân Yên nói hết hợp đồng triển lãm thì họ đem tranh đi, bảo tàng không có chức năng giữ lại.
Có một chi tiết khá bất ngờ ghi được tại cuộc họp của hội đồng thẩm định hôm 19-7 nói trên, khi họa sĩ Thành Chương tranh thủ giờ giải lao giữa cuộc họp đến phòng trưng bày tranh để trả lời phỏng vấn của phóng viên New York Times, đã bị nhà sưu tập Vũ Xuân Chung kiếm cớ gây gổ và suýt hành hung họa sĩ. May nhờ những người có mặt can thiệp kịp thời nên việc xấu nhất đã không xảy ra. Có lẽ ông Chung nổi đóa bởi họa sĩ Thành Chương đã làm hỏng cuộc triển lãm của ông. Nếu Thành Chương không phát hiện ra tranh của mình ký tên Tạ Tỵ, biết đâu chừng có người đã “sập bẫy” mua phải những bức tranh “không phải do tác giả ký tên thực hiện” (cụm từ tế nhị thay từ tranh giả). Mà có khi mua với giá cao ngất trời khi tin vào những xác nhận hùng hồn của ông chuyên gia quốc tế về mỹ thuật Việt Nam J.F. Hubert. Tuyên bố hùng hồn như thế nhưng từ hôm hội đồng thẩm định họp ra thông báo đến nay không nghe ông chuyên gia này nói gì! Đây có thể coi như một bài học cho giới sưu tập và những nhà triển lãm Việt Nam. Không nên vội vàng tin vào những thẩm định của chuyên gia quốc tế, như lời phát biểu thẳng thừng của ông Vi Kiến Thành: “Tôi chưa bao giờ tin các chuyên gia quốc tế trong vấn đề hội họa Việt Nam”.
Giới mỹ thuật và những người yêu hội họa đang chờ xem việc coi thường “xỏ mũi, bịt mắt” người xem tranh Việt bằng triển lãm tranh giả và tranh mạo danh sẽ được xử lý thế nào. Một cơ sở ấn loát mà in lậu cuốn truyện tranh, cuốn tập viết của trẻ em đã bị truy tố trước pháp luật, lẽ nào làm giả những danh tác của các danh họa lại được cho qua?