Lễ tế các vị thần ở đàn Xã Tắc

Vào lúc 1 giờ, sáng ngày 18-3, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức nghi lễ tế đàn Xã Tắc năm 2014, tại đàn Xã Tắc (nơi tượng trưng cho đất nước), phường Thuận Hòa (TP Huế).

 Nghi lễ được tổ chức nghiêm trang tại đàn Xã Tắc. Ảnh: VIẾT LONG

Lễ tế Xã Tắc vốn là một trong những nghi lễ cung đình tiêu biểu, do đích thân vua đứng ra làm lễ. Từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê đến thời Nguyễn đều lập đàn Xã Tắc và tổ chức Lễ tế Xã Tắc hàng năm (vào tháng 2 và tháng 8 Âm lịch), nhằm tế thần Đất và thần Lúa, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Lễ vật trong lễ cúng các vị thần. Ảnh: VIẾT LONG

 

Đàn Xã Tắc là một trong những di tích cung đình đặc biệt quan trọng của cố đô Huế, được xây dựng sau khi vua Gia Long quy hoạch lại toàn bộ kinh thành trên đất của 8 làng ở bờ bắc sông Hương.

Dưới thời Nguyễn, cùng hàng với đàn Nam Giao và Ngũ miếu trong Hoàng thành (Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu và Phụng Tiên Miếu), công trình này là một trong những “Miếu Đàn” trọng yếu của triều đình và hoàng gia, lễ tế ở đàn Xã Tắc cũng được xếp vào hàng cao nhất (Đại tự).

Sau nghi lễ nhiều người dân cũng thắp hương cầu nguyện. Ảnh: VIẾT LONG

Từ năm 2008, Ban Tổ chức Festival Huế đã tổ chức lễ tế Xã Tắc đầu tiên, và sau đó định kỳ vào tháng 2 âm lịch hàng năm, nhằm tái hiện một lễ tế cung đình trang nghiêm, tráng lệ, mục đích bảo tồn một nghi lễ cung đình truyền thống, để tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà, tôn vinh văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Tuy những lần trước đây đều thuần túy mang tính tái hiện một lễ tế cung đình xưa dưới dạng một lễ hội văn hóa du lịch, nhưng vì thực hiện ở chính nơi đàn tế thiêng liêng của dân tộc, nên yếu tố tâm linh không thể không đề cập. Vì thế, những lễ tế trước đây về cách thể hiện là sân khấu hóa một nghi lễ truyền thống, nhưng mỗi thành viên tham gia đều với một tinh thần thái độ nghiêm túc.

VIẾT LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm