Xem lại các đề cử chính thức cho giải thưởng Fair Play 2015.
Cả năm đề cử trong đó có tập thể và có cả cá nhân. Giới chuyên môn cho rằng cả năm đề cử đều nặng ký và có những nét riêng biệt. Tuy nhiên, điều quan trọng là tất cả đều tạo nên nét đẹp mà mỗi thành viên hay từng cá nhân trong tập thể đều là những điểm nhấn của đêm Gala…
Abass Dieng: Không dễ tha thứ cho người làm gãy chân mình
Giữa lúc các trận đấu V-League còn sặc sụa những pha vào bóng bạo lực, đầy tính triệt hạ đối phương thì pha chấn thương mà Abass bị Thanh Hào (Hà Nội T&T) vào bóng trong trận chung kết Cúp Quốc gia 2015 lại như một điểm sáng gỡ rối tất cả.
Nhìn pha vào bóng quá căng của Thanh Hào khiến cái chân của Abass gập lại và gãy khiến nhiều người không dám nhìn. Trong khi Thanh Hào hoảng loạn và sợ hãi thì Abass đau đớn đến quằn quại. Sau đó anh được đưa lên cáng nhưng vẫn cố nén đau chắp tay thành hình trái tim gửi tặng khán giả nhà.
Abass Dieng buồn vì không thể nhận cúp cùng đội nhà. Anh càng buồn hơn vì cái chân gãy ảnh hưởng rất nhiều đến sự nghiệp, thế mà khi thấy Thanh Hào đến giường bệnh xin lỗi thì anh tha thứ tất cả. Cầu thủ Senegal này đã lên tiếng: “Không, Thanh Hào không có lỗi trong chuyện này, cứ yên tâm về tham gia đội tuyển và thi đấu cho tốt đi, xem như tôi xui và là tai nạn thôi mà…”.
Các cầu thủ châu Phi nhìn chung hay có thói quen ăn vạ, tiểu xảo nhưng với Abass thì chính cách hành xử của tiền đạo này đã để lại những ấn tượng đẹp nơi người hâm mộ.
Công Phượng: Tuổi trẻ gặp nhiều áp lực
Người hâm mộ nói nhiều về Công Phượng qua những hình ảnh thi đấu, sự lăn xả, tính gan lì, nhất là chấn thương gần đây khi cùng U-23 Việt Nam dự vòng chung kết châu Á. Phượng bị chấn thương nặng trong trận gặp UAE.
Kể từ khi lứa đầu Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG… xuống núi khoác áo tuyển và CLB đá các giải, nhất là giải quốc tế. Phượng và những người bạn tạo nên những làn sóng và nhất là hâm lại tình yêu bóng đá cho người hâm mộ cả nước… Thế rồi nhiều lời ra tiếng vào. Và Phượng lại “dính” vào tai tiếng lố tuổi. Chuyện đó có thể đánh gục một cậu trai trẻ ở tuổi 18, 19. Và sau đó là liên tục những lời thị phi về tiền đạo Nghệ An này. Song Phượng đã không để nó ảnh hưởng. Và vẫn ra sân và mỗi lần như thế lại lăn xả, chiến đấu hết mình dù có thể Công Phượng là mục tiêu triệt hạ của đối phương. Không trả đũa và không manh động trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Sống trong vầng hào quang của người hâm mộ lẫn tiếng thị phi, không dễ gì một cậu bé mới lớn tràn đầy sinh lực không gục ngã. Thế nhưng Phượng đã vượt lên tất cả để tiếp tục cống hiến… Chỉ chừng ấy không thôi đã nói lên được bản lĩnh qua tôi luyện của Công Phượng không hề giảm sút phong độ. Kế đến là một mùa bóng V-League “lên bờ xuống ruộng” trong màu áo HA Gia Lai nhưng tất cả điều đó đã rèn giũa bản lĩnh tiền đạo này. Sau quá nhiều sóng gió thử thách nhưng Phượng đã vượt qua tất cả để trở thành một tiền đạo sống có kỷ luật. Là người con trai hiếu thảo của gia đình luôn gói ghém hình ảnh gia đình trong thi đấu và suy nghĩ, Công Phượng là một mẫu cầu thủ có tinh thần fair play cao cả ít ra là đến thời điểm này. Một tấm gương của thế hệ cầu thủ mới.
Tập thể U-23 Việt Nam và chiếc áo tình nghĩa
Trong hình ảnh tay vịn chặt hai chiếc nạng, chân bó bột, hai mắt với hàng lệ chảy dài, hậu vệ Tấn Tài đã đón nhận chiếc áo số 13 mà đồng đội ra quân đánh bại Malaysia 5-1 ở SEA Games 28 tặng cho mình. Đó là tinh thần đồng đội hết sức cao thượng của tập thể U-23 Việt Nam. Lần ấy khi Mạc Hồng Quân ghi bàn mở tỉ số 1-0 từ chấm 11 m. Quân đã chạy đến khu kỹ thuật và bất ngờ đội trưởng U-23 đã cầm chiếc áo 13 tặng cho đồng đội. Tấn Tài kể: “Tôi muốn chung vui với bàn thắng của đồng đội nhưng không thể không rơi nước mắt vì cảm động. Hai mắt cứ cay xè và những giọt nước mắt cứ chảy ra nóng hai gò má. Tôi biết mình không thể thi đấu nhưng tôi vẫn là một phần của đội tuyển khi ấy và đồng đội cũng nghĩ thế. Về Việt Nam trước tôi buồn lắm nhưng tôi vẫn hướng về Singapore và cổ vũ cho đồng đội”.
Chiếc áo số 13 mà toàn đội dành tặng cho Tấn Tài qua bàn mở tỉ số được xem là chiếc áo tình người và làm bớt đi nỗi đau của Tấn Tài bên đôi nạng.
Những người làm điểm sáng cho Hội Cổ động viên Hải Phòng
Hội Cổ động viên (CĐV) Hải Phòng nổi tiếng quậy nhưng hình ảnh một nhóm người đồng hành cùng đội từ Hải Phòng vào Cần Thơ và bất bình khi đội nhà chơi thứ bóng đá xấu xí đã làm thay đổi tất cả.
Nhóm người ấy đã không yêu đội nhà một cách mù quáng, càng không phải cứ nhắm mắt hô khẩu hiệu mà đã đứng lên đòi hỏi đội nhà phải chơi thứ bóng đá trung thực.
Thậm chí là nhóm người trong Hội CĐV ấy đã đề nghị ban tổ chức vào cuộc điều tra cách thể hiện thi đấu thiếu trung thực của đội nhà. Họ còn ra đến tận sân Mỹ Đình và giăng banderole để thể hiện dù yêu đội nhà nhưng cũng có quyền đề nghị đội nhà phải chơi đẹp, phải tôn trọng khán giả, CĐV… dù điều này có thể ảnh hưởng nặng đến thứ hạng và thành tích của đội nhà.
Không phải dễ gì vượt qua được sự bảo thủ để nói thẳng ra điều đó.
“Nữ tướng” áo đỏ Hoàng Yến
Có mặt trên từng cây số “ăn bóng đá, ngủ bóng đá”, Hoàng Yến và một trong những phó tướng của ông Trần Hữu Nghĩa, Hội trưởng Hội CĐV VFS. Từ các sân bóng trong nước cho đến quốc tế, cô gái này luôn có mặt trên từng cây số để cùng VFS cổ vũ không mệt mỏi cho các đội tuyển Việt Nam. Trên sân mỗi khi VFS có CĐV đặc biệt này luôn mang lại những hình ảnh sống động, đầy ắp âm thanh và sự náo nhiệt của không khí bóng đá. Luôn cháy hết mình trong những lần đội nhà ghi bàn và biết thông cảm, sẻ chia mỗi khi đội nhà thi đấu không như mong đợi.
Các hình ảnh được biểu dương Ngoài ra, ban tổ chức cũng biểu dương hai nhóm CĐV Sông Lam Nghệ An và Than Quảng Ninh. Nếu nhóm CĐV Sông Lam Nghệ An đã nán lại sau trận đấu trên sân Đồng Nai và tổ chức nhặt rác trên khán đài sau trận Đồng Nai - Sông Lam Nghệ An thì các CĐV Quảng Ninh trên sân Cẩm Phả trong trận Than Quảng Ninh - HA Gia Lai đã tổ chức quyên góp giúp đồng bào bị bão lũ khắc phục hậu quả và được hưởng ứng nhiệt tình… PV |